Tiềm năng ngành công nghiệp game Việt Nam
Trên thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người chơi trò chơi điện tử (game) và đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ người. Thị trường game cũng được dự đoán đạt doanh thu 218,7 tỷ USD vào năm 2024.
Theo số liệu của NewZoo, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất trên thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025. Thị trường game của Việt Nam xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á về doanh thu. Việt Nam cũng là nước đứng thứ ba khu vực về số lượng người chơi game di động với 54,6 triệu người.
Năm 2022, Bloomberg đã đánh giá Việt Nam là một cường quốc về game với số liệu cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia sản xuất game trên di động hàng đầu thế giới, tính theo lượt tải xuống trong 6 tháng đầu năm 2023.
Về doanh thu đến từ các game phát hành trong nước, theo số liệu từ Bộ TT&TT, doanh thu năm 2021 đạt 11.486 tỷ đồng, năm 2022 đạt 12.410 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021), năm 2023 đạt 12.552 tỷ đồng (tăng 1,2% so với năm 2022). Ngoài doanh thu đến từ các game phát hành tại Việt Nam thì doanh thu của các game sản xuất tại Việt Nam nhưng phát hành ở thị trường toàn cầu ước tính đạt khoảng 200 triệu USD/năm (nguồn tổng hợp từ Sensor Tower và Câu lạc bộ game studio Việt Nam).
Cũng theo số liệu thống kê này, có gần 85% trò chơi G1 phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 76% tổng số trò chơi G1 phát hành. Đặc biệt với lợi thế dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới, Việt Nam đang được coi là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game online hàng đầu trên thế giới.
Theo Sách Trắng, thị trường game Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng toàn cầu. Lý do mà Sách Trắng đưa ra là “ Ngành game là một ngành đặc thù, không bị chi phối bởi biên giới khu vực địa lý ” và “ tỷ lệ người dùng chơi game so với tổng dân số Việt Nam là rất lớn ”. Tài liệu này cũng nhận định “Việt Nam là thị trường lớn, năng động khi vừa là nơi sở hữu nhiều nhà phát hành trò chơi, ứng dụng dụng vừa có số lượng người tiêu dùng ưu tiên thiết bị di động mạnh mẽ” .
Theo đánh giá của các chuyên gia, các thống kê nêu trên cho thấy công nghiệp game Việt Nam, đặc biệt là mảng game trên mobile có sự phát triển rất mạnh cả về số lượng doanh nghiệp, số lượng người chơi, số lượng game và doanh thu. Đồng thời, so với quy mô dân số và mức độ phát triển của hạ tầng viễn thông của một số nước trong khu vực thì doanh thu ngành game của Việt Nam trong những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn và được nhìn nhận là thị trường đầy tiềm năng với nhiều dư địa để phát triển.
Thế mạnh của PTIT trong đào tạo game
Nắm bắt xu hướng đang lên của ngành công nghiệp game, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã chính thức công bố Chương trình Thiết kế và Phát triển game trình độ đại học, theo đó, từ năm học 2024, PTIT tuyển sinh 160 chỉ tiêu.
Chương trình Thiết kế và Phát triển game được xây dựng bài bản theo chuẩn quốc tế CDIO, dựa trên khảo sát kỹ lưỡng các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo từ các trường đại học hàng đầu đào tạo về game trên thế giới như Đại học New York (New York University), Đại học Nam California (University of Southern California) hay Viện công nghệ Digipen (Digipen Institute of Technology).
Tại chương trình đào tạo game của PTIT, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về thiết kế, phát triển game cùng các kiến thức liên ngành như toán học, văn hoá, tâm lý, kinh tế, pháp luật và marketing; sinh viên tốt nghiệp có thể xây dựng các game không chỉ hấp dẫn người chơi mục tiêu, có khả năng tạo ra doanh thu mà còn đảm bảo tính lành mạnh và đặc biệt là tuân thủ pháp luật.
Đặc biệt, người học còn có thể sáng tạo các ứng dụng của game trong các lĩnh vực khác như đào tạo, thương mại, truyền thông,... góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như quảng bá văn hoá Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Trước đó, từ năm 2010, PTIT đã có những môn học tiếp cận với chuyên ngành game như: thiết kế kịch bản game, lập trình game… trong ngành công nghệ đa phương tiện, với nhiều thế hệ sinh viên ra trường làm việc trong ngành game.
Trao đổi về chương trình đào tạo game của PTIT, TS. Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông (CDIT) - PTIT, cho biết thế mạnh của Học viện là đào tạo các ngành công nghệ và các chương trình liên ngành, trong đó công nghệ đóng vai trò nền tảng. Trong hơn 20 năm qua, Học viện đã có đã có nhiều chương trình liên ngành thành công có thể kể đến như Công nghệ đa phương tiện, Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ tài chính (fintech) hay Thương mại điện tử và bây giờ là Thiết kế và Phát triển game. Từ năm 2010, nhà trường đã có những môn học tiếp cận với chuyên ngành game. Đây chính là tiền đề cho việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về game của PTIT hiện nay.
TS. Cao Minh Thắng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế của Học viện trong việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp game.
“Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác định hợp tác với doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công của các chương trình đào tạo, Học viện hiện có quan hệ hợp tác với nhiều công ty game hàng đầu tại Việt Nam như VTC, VNG, GameLoft cũng như các studio chủ chốt trong Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam như TopeBox, Falcon, Hiker, Negaxy, GameGeek…”.
Cũng theo TS. Cao Minh Thắng, với nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, theo quy trình CDIO, trong những năm qua các doanh nghiệp cung cấp dữ liệu khảo sát và tham gia tư vấn để Học viện xây dựng thành công và công chương trình đào tạo Thiết kế và Phát triển game. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn hỗ trợ PTIT những trang thiết bị thực hành hiện đại cũng như tiếp nhận sinh viên thực tập và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên ngành game. PTIT đã đưa ra cam kết, các dự án game của sinh viên đạt top 3 trong các cuộc thi sáng tạo hằng năm sẽ được tài trợ kinh phí để hoàn thiện và thương mại hoá sản phẩm.
Trong quan hệ quốc tế, PTIT có quan hệ rất gần gũi với các trường đại học tại Hàn Quốc như Chung Ang University (CAU) và đặc biệt với Hiệp hội Game Hàn Quốc, quốc gia có nền công nghiệp game hàng đầu châu Á. Trong những năm qua, PTIT và CAU thường xuyên có các hoạt động trao đổi sinh viên cũng như các cuộc thi hackathon, nơi sinh viên có thể thoả sức sáng tạo và trình bày ý tưởng và các dự án của mình và đặc biệt nhận được rất nhiều ý kiến tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu của ngành game trong và ngoài nước.
“PTIT cũng đưa ra cam kết, top 5 các sinh viên có thành tích học tập tốt hằng năm sẽ được đi thăm quan, học tập tại nước ngoài” , TS. Cao Minh Thắng thông tin thêm.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong top 3 trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin tại Việt Nam; cũng là đơn vị dẫn đầu trong các xu hướng đào tạo mới liên quan đến công nghệ số như: Công nghệ tài chính, Kỹ thuật dữ liệu, thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế và Phát triển game... Trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy 2024, Học viện tuyển sinh 5.450 chỉ tiêu tại hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; xét tuyển dựa trên 4 phương thức: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Xem thông tin về tuyển sinh đại học chính quy 2024 tại: https://tuyensinh.ptit.edu.vn