Ngày 10-11-2021 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trở thành một trong số không nhiều tỉnh, thành phố ban hành được nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số.
Cùng với đó, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn thiếu. Tài nguyên dữ liệu số còn ít, chưa đồng bộ, hiệu quả khai thác chưa cao. Việc kết nối, liên thông dữ liệu số còn khó khăn. Xây dựng chính quyền điện tử còn chậm. Kinh tế số mới chiếm tỷ lệ nhỏ trong GRDP của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế…
Với việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, tỉnh Thanh hóa xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh và từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như mỗi người dân.
Quan điểm tỉnh đặt ra là chuyển đổi số phải được thực hiện đồng bộ, liên thông, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân; lựa chọn một số địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực trọng điểm, có lợi thế để thực hiện thí điểm, sau đó tổ chức đánh giá, nhân ra diện rộng; ưu tiên xây dựng chính quyền số để thúc đẩy, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số.
Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năn 2025 có 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác từ các cơ sở dữ liệu Quốc gia. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường mạng và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập. Có 90% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước và tăng lên 98% vào năm 2030. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất. Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh, đến năm 2030 là 30%. Doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế, đến năn 2030 là 80%. Về xã hội số, có 6 huyện, thị xã, thành phố và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành chuyển đổi số theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2030 là 100% huyện, thị xã, thành phố và 80% xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50% trở lên, đến năm 2030 là 80%.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này muốn phát triển, hội nhập sâu rộng thì không thể tách rời hoạt động chuyển đổi số. Đây là xu thế tất yếu và rất cần thiết nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.
Với việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU cho thấy tỉnh Thanh Hóa đã có bước nhảy vọt về nhận thức. Để nghị quyết sớm hiện thực cần phải có sự nhảy vọt về trách nhiệm, hành động vào cuộc của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả tỉnh./.