Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh. Tất cả các sản phẩm đều có mã QR và mã vạch in trên bao bì. Khách hàng chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR là hiện ra website cập nhật, giới thiệu thông tin chi tiết, đầy đủ về các sản phẩm của HTX. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng mẫu mã, HTX còn tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu quản lý, vận hành và sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho hay, đến nay, HTX đã ứng dụng một số công nghệ và nền tảng số trong quá trình sản xuất, kinh doanh như ứng dụng mã vạch, thanh toán trực tuyến, vận chuyển trực tuyến. Điều này mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng; riêng HTX cũng tiết kiệm được nhiều chi phí, từ đó mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Nhiều HTX như HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận, HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ tổng hợp Trà Bình (Trà Bồng), HTX Nông lâm nghiệp Đoàn Kết (Minh Long), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây)... đã thực hiện xúc tiến thương mại thông qua các sàn thương mại điện tử hay bán hàng thông qua các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo... Đáng chú ý, kể từ khi một số HTX thực hiện livestream bán hàng, quay lại các video đăng trên các nền tảng mạng xã hội, lượng khách hàng đã có nhiều thay đổi, mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh khâu bán hàng, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ số trong khâu sản xuất, chế biến. Đơn cử như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trà Bồng đã đầu tư máy móc, công nghệ để theo dõi, quản lý, điều chỉnh, cập nhật nhật ký nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ CO2 trong sản xuất nấm. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo nấm sinh trưởng, phát triển trong môi trường ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng. Hay HTX Rau sạch Mầm Việt, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), sử dụng hệ thống tưới tự động cho cây trồng điều chỉnh bằng điện thoại. Còn HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mộ Đức, ở xã Đức Phong sử dụng máy bay không người lái (Drone) để phun thuốc trừ sâu, bón phân cho cây trồng, giúp HTX tiết giảm được chi phí, nhưng hiệu quả mang lại cao hơn.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Hồ Quý Nhân nhìn nhận, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác chuyển đổi số của HTX còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, nhất là đối với các HTX, cần có các giải pháp cụ thể, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái số đồng bộ và hữu hiệu dành riêng cho các HTX. Muốn làm được điều này, trước hết HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới.
Song song với đó là sự đồng hành của Nhà nước trong công tác đào tạo, đầu tư hạ tầng số; hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tỉnh cần tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.