ảnh minh họa
Gây hại sức khỏe
Để lại dòng chữ “quan tâm” ở một trang “thuốc lá điện tử giá rẻ” trên mạng xã hội, rất nhanh, tôi được gửi rất nhiều hình ảnh về thuốc lá điện tử. Nhân viên tư vấn hỏi tôi cần mua loại vape (châm tinh dầu để hút) hay pod (dùng 1 lần), bên họ đều có sẵn và miễn phí giao hàng.
"Các máy có giá từ 300.000 đồng là có sạc, tặng tinh dầu đi kèm. Nếu muốn mua tặng thì chọn loại vape vì đẹp và sang hơn” - nhân viên shop online tư vấn. Tham khảo trên các hội nhóm, thị trường này khá sôi động với cả ngàn thành viên. Và hiển nhiên, việc đặt mua rất dễ dàng, nhanh chóng, chỉ cần để lại tên, địa chỉ, số điện thoại.
Theo Công văn 2633/BYT-KCB của Bộ Y tế về việc tăng cường truyền thông tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Bộ Y tế, những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng, shisha.
Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng Internet, với thiết kế đa dạng, nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị hấp dẫn giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Qua điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử có chứa Nicotine là chất gây nghiện, gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có Glycerin, Propylene Glycol, có thể tạo thành Propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Gần đây, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc Nicotine và các dung dịch có sẵn trong thuốc lá này. Ngoài tác hại giống thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội.
Nâng cao nhận thức
Phó Bí thư đoàn Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) Trần Trung Quốc cho biết: “Thời gian qua, Đoàn Trường Đại học An Giang phối hợp các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường truyền thông tác hại của thuốc lá nói chung, đặc biệt là thuốc lá điện tử cho đoàn viên, sinh viên.
Cụ thể, trong năm học 2022 - 2023, Đoàn trường lồng ghép tổ chức buổi tuyên truyền “Nhận dạng chất kích thích và tác hại của nó”, trong đó có thuốc lá điện tử cho gần 300 đoàn viên, sinh viên. Đồng thời, đăng bài tuyên truyền tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử trên các trang thông tin của Đoàn trường, thu hút trên 1.000 lượt đoàn viên, sinh viên tiếp cận”.
Thanh Toàn (sinh viên năm 4, Trường Đại học An Giang) chia sẻ: “Qua những thông tin được truyền thông, em biết thuốc lá điện tử được mô phỏng hình dạng và chức năng giống thuốc lá. Khác với thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử không tạo khói mà tạo ra mùi hương. Không chỉ một mà rất nhiều mùi vị khác nhau, tạo khoái cảm cho người sử dụng. Em không tò mò hoặc thử nghiệm dù chỉ 1 lần đối với các loại thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe bản thân. Em sẽ tích cực tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử đến bạn bè, người thân, giúp mọi người hiểu hơn về nguy hại tiềm ẩn trong thuốc lá điện tử”.
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành công văn tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo đó, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn; kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Sở Y tế phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường và kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha đến học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử tại các cơ sở giáo dục.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường An Giang và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, vì các sản phẩm này hiện là những sản phẩm chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.