Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 12/9. (Ảnh: TTXVN)
Tổng kết thực tiễn là một khâu không thể thiếu và có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của lý luận. Tổng kết thực tiễn, xét về bản chất là hoạt động trí tuệ của chủ thể tổng kết thực tiễn; là quá trình bằng tư duy khoa học với phương pháp biện chứng duy vật làm cơ sở để chủ thể tổng kết thực tiễn, phân tích, đánh giá, khái quát kinh nghiệm thực tiễn nhằm kiểm tra sự đúng sai của lý luận, bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận và rút ra những bài học kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức thực tiễn và hoạt động lý luận tiếp theo.
Tổng kết thực tiễn chỉ có giá trị và ý nghĩa khi những bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết thực tiễn có vai trò chỉ đạo hoạt động nhận thức và hoạt động tổ chức thực tiễn tiếp theo, nghĩa là phải gắn với định hướng nghiên cứu lý luận và định hướng chính sách như Đại hội XIII của Đảng yêu cầu. Do đó, về bản chất, tổng kết thực tiễn cũng là nghiên cứu lý luận.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế”(2); lý luận là do “kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận”(3); “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(4). Còn “Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước”(5).
Lý luận bắt nguồn từ thực tiễn, được hình thành, bổ sung, phát triển từ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Khi thực tiễn đổi thay thì lý luận cũng phải được bổ sung, phát triển bằng những kinh nghiệm thực tiễn mới thông qua tổng kết thực tiễn. Thực hiện được điều đó có nghĩa là lý luận đã có sự phát triển. Biểu hiện của sự phát triển của lý luận là ở chỗ: lý luận không lạc hậu so với thực tiễn, đóng vai trò kim chỉ nam cho thực tiễn, định hướng được cho thực tiễn, lý giải được những vấn đề do thực tiễn mới nảy sinh đặt ra; lý luận ngày càng sâu sắc hơn, đúng đắn hơn; lý luận đóng vai trò quan trọng trong tổng kết thực tiễn để vừa chỉ đạo thực tiễn vừa bổ sung, phát triển lý luận tiếp theo.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu “không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”, “phải có tầm nhìn vượt trước”.
Sự phát triển của lý luận phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau, nhưng trước hết và trực tiếp nhất phụ thuộc vào đội ngũ các nhà lý luận - chủ thể tổng kết thực tiễn, khái quát kinh nghiệm thực tiễn thành lý luận. Tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận là hai mặt của việc phát triển lý luận. Tổng kết thực tiễn là cơ sở, điều kiện, tiền đề để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận. Ngược lại, nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn một cách khoa học, đúng đắn. Do vậy, tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận có vai trò rất to lớn đối với tổ chức thực tiễn cũng như phát triển lý luận.
Trong quá trình đổi mới ở nước ta, việc tăng cường tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận đã góp phần “cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc xây dựng, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới của Đảng; góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội”(6). Tổng kết “khoán chui” ở một số địa phương trước đổi mới (1986), gắn với nghiên cứu lý luận mà Đảng ta đã ban hành Chỉ thị 100 và sau là Nghị quyết 10 phù hợp thực tiễn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Tổng kết sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước từ 1976 - 1986, gắn với nghiên cứu lý luận, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới đúng đắn. Tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, gắn với nghiên cứu lý luận, Đại hội XIII đã rút ra năm bài học kinh nghiệm quý báu(7), như là những vấn đề lý luận căn cốt của cách mạng Việt Nam.
Và đồng chí Tổng Bí thư đã lưu ý: “Năm bài học kinh nghiệm được tổng kết trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII..., phải chăng đây là những vấn đề lý luận căn cốt của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”(8).
Để nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản.
Một là, “cần phát huy trí tuệ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, mà nòng cốt là các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận”(9), trong đó trước hết là sự liên kết, phối hợp tốt giữa Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh,... đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận với các nhà khoa học xã hội, nhân văn, các nhà khoa học kinh tế, kỹ thuật.
Hai là, từng bước hình thành “cơ chế và tạo môi trường thuận lợi để thu hút, tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, có tâm, có tầm trên tất cả các lĩnh vực của đất nước; mở rộng các hình thức thảo luận, tranh luận, đối thoại lý luận trên tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị; thật sự trân trọng những ý tưởng, những đề xuất lý luận có giá trị, hữu ích cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và cho quốc kế dân sinh”(10).
Ba là, mỗi cán bộ làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cần nâng cao trình độ tư duy lý luận, trau dồi phương pháp biện chứng duy vật và vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương pháp biện chứng duy vật vào phân tích, khái quát thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm; phát hiện những nhân tố mới và những vấn đề mới về lý luận cũng như thực tiễn. Đồng thời phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài vào tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận.
Bốn là, sau khi rút ra bài học kinh nghiệm tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận phải tổ chức vận dụng các bài học kinh nghiệm một cách nghiêm túc vào chỉ đạo tổ chức thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận; ngăn ngừa, khắc phục các bệnh kinh nghiệm, giáo điều.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp này thì công tác tổ chức thực tiễn cũng như phát triển lý luận của Đảng nhất định sẽ có bước tiến thật sự.
---------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG - ST, H.2021, tập I, tr.181-182.
(2) Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb. CTQGST, H; 2011; tập 5, tr.273.
(3) Hồ Chí Minh; Nxb CTQGST; H, 2011; tập 5, tr. 312.
(4) Hồ Chí Minh; Nxb CTQGST; H, 2011; tập 11, tr.96.
(5) Hồ Chí Minh; Nxb CTQGST; H, 2011; tập 11, tr.96.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. CTQG; H, 2002, tr.64.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H.2021, tập 1, tr.95-98.
(8) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận. Báo Nhân Dân số ra ngày 18/4/2021.
(9) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận. Báo Nhân Dân số ra ngày 18/4/2021.
(10) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận. Báo Nhân Dân số ra ngày 18/4/2021.
GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh