Sớm xây dựng quy chuẩn an toàn thông tin mạng cho camera giám sát

Thứ năm, 23/05/2024 07:51

Ngày 22/5, báo Vietnamnet phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát”.

Tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát giúp doanh nghiệp có hướng đi đúng đắn, người dùng nâng cao nhận thức về an toàn thông tin 

Hiện nay, xu hướng sử dụng camera giám sát ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Không chỉ được nhiều gia đình sử dụng, camera giám sát cũng là thiết bị quan trọng trong hệ thống chính phủ điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh, giúp giám sát giao thông, an ninh trật tự...Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nhiều trường hợp hình ảnh đời tư của những nhân vật nổi tiếng đã bị đưa lên mạng xã hội do lộ lọt từ camera giám sát trong chính ngôi nhà của họ. Bên cạnh đó, có quá nhiều camera lưu hành không rõ nguồn gốc, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam ở nước ngoài và không có tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng.

Trước hiện trạng đó, đầu tháng 5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đưa ra tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.

Sớm xây dựng quy chuẩn an toàn thông tin mạng cho camera giám sát- Ảnh 1.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tại tọa đàm, ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, việc ban hành bộ tiêu chí có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ đây là tiền đề để các doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm, thiết bị camera giám sát trên thị trường Việt Nam triển khai rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể các nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các sản phẩm, thiết bị camera do đơn vị mình cung cấp.

Đặc biệt, bộ tiêu chí này cũng là bước đầu để Bộ có cơ sở xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát.

Thông qua việc ban hành bộ tiêu chí, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua sắm, trang bị các sản phẩm, thiết bị camera giám sát cũng sẽ bước đầu có ý thức hơn trong việc cần phải lựa chọn, tìm kiếm các sản phẩm, thiết bị camera được đánh giá là an toàn.

Theo ông Võ Đức Thọ, Tổng Giám đốc Hanet Technology: Bộ tiêu chí về tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát mới được Bộ TT&TT ban hành là phù hợp với tình hình thực tiễn giai đoạn hiện tại. Đối với thị trường, bộ tiêu chí có tác động lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ. Mặc dù mới chỉ là tiêu chí, chưa bắt buộc song hiện nay các doanh nghiệp cũng đang tiến hành rà soát để đáp ứng các nội dung thuộc Nghị định 13 của Chính phủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về phía chủ thể sử dụng camera giám sát, bộ tiêu chí sẽ giúp gia tăng nhận thức an toàn thông tin nói chung, nhất là của các doanh nghiệp, tổ chức cũng như các phường, xã trang bị nhiều camera. Bộ tiêu chí này cũng rất công bằng cho các doanh nghiệp, không chỉ nghiêng về doanh nghiệp Việt Nam. Các hãng lớn nước ngoài cũng có thể đáp ứng các tiêu chí này để kinh doanh tại Việt Nam.

Sớm xây dựng quy chuẩn an toàn thông tin mạng cho camera giám sát- Ảnh 2.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia cũng cho biết, về góc độ an ninh mạng, có thể xem camera như máy tính, thậm chí là máy tính đặc biệt vì có thể nghe, nhìn, suy nghĩ (nếu tích hợp AI), phát hiện vật thể, không gian mà nó quan sát. Camera không bao giờ tắt, luôn online 24/24, ít được vá lỗi, gần như không được cập nhật bản vá, phần mềm diệt virus. Do đó, nếu bị tấn công sẽ không có ai bảo vệ.

Camera không được đối xử như máy tính. Máy tính có nhiều tiêu chuẩn, có yêu cầu xuất xứ rõ ràng nhưng camera không có nhiều tiêu chuẩn như vậy. Hy vọng bộ tiêu chí mới đây của Bộ TT&TT ban hành sẽ là khởi đầu cho nhiều tiêu chuẩn tiếp theo. - Ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ tại tọa đàm.

Phát triển thị trường camera Make in Việt Nam

Tại tọa đàm, Phó Tổng biên tập báo Vietnamnet Võ Đăng Thiên cho hay: Hiện nay, trên thị trường Việt Nam và các nước khác, hầu hết camera đều có xuất xứ Trung Quốc. Thống kê của các doanh nghiệp cho thấy, có khoảng 90% sản phẩm camera giám sát tại Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Thậm chí, một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud, kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.

Camera là sản phẩm rất nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin. Các sản phẩm camera đang dịch chuyển qua xu thế tương tác trực tiếp với người dùng thông qua ứng dụng di động, thông tin được đẩy lưu trữ trên cloud. Việc thông tin đi vòng qua cloud của các hãng đặt ở nước ngoài dẫn tới rủi ro về an toàn thông tin. Thông tin cá nhân qua bước trung gian khi không có các cơ chế bảo mật sẽ gây rủi ro cho người dùng. Thông tin cá nhân và các hành vi riêng tư có thể bị công khai khi kênh truyền bị chặn hoặc server bị tấn công. Ngoài ra, không loại trừ thông tin cá nhân sẽ bị khai thác mà không có sự xin phép.

Sớm xây dựng quy chuẩn an toàn thông tin mạng cho camera giám sát- Ảnh 3.

Phó Tổng biên tập báo VietNamNet Võ Đăng Thiên phát biểu tại tọa đàm

“Vì vậy, việc ban hành các tiêu chuẩn cho camera và chủ động sản xuất camera Make in Việt Nam là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam”, ông Võ Đăng Thiên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Vconnex chia sẻ: Việc 90% trong hơn 10 triệu camera tại Việt Nam có nguồn gốc và có kết nối ra nước ngoài đang đặt ra nhiều rủi ro về an toàn dữ liệu và thông tin. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do chúng ta chưa có các nền tảng quản lý mở đặt máy chủ tại Việt Nam.

Để giải quyết triệt để và tận gốc, chúng ta cần làm chủ từ phần cứng cho đến nền tảng. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần có bộ quy chuẩn cho các nền tảng quản lý mở này và các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để các doanh nghiệp Make in Việt Nam có thể tồn tại trong nước, trước khi tính đến chuyện vươn ra biển lớn.

Ông Nguyễn Đăng Triển, Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và dịch vụ số, Viettel Telecom cho biết: Hầu hết, người dùng sử dụng điện thoại, tablet để truy cập camera, vì thế, việc làm chủ ứng dụng rất quan trọng. Bởi nếu không làm chủ được, sẽ không đảm bảo độ an toàn, bảo mật cho người dùng. Để Viettel và các doanh nghiệp khác cạnh tranh được trên thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, chúng ta cần đẩy nhanh công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với camera - đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các camera tại thị trường Việt Nam đều phải tuân thủ từ đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam.

Đại diện Viettel Telecom cũng đề xuất việc thành lập hiệp hội liên minh để các nhà sản xuất camera trong nước cùng nghiên cứu, chia sẻ, phát triển; đồng thời các doanh nghiệp cần hợp tác với Bộ TT&TT để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thông tin của camera giám sát trong thời gian tới.

Sớm xây dựng quy chuẩn an toàn thông tin mạng cho camera giám sát- Ảnh 4.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin, hiện tại Bộ TT&TT đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát.

Dự kiến, quy chuẩn này sẽ được ban hành trong năm 2024. Khi đó, tất cả camera được sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu, bắt buộc phải được kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp quy và đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn quốc gia thì mới đủ điều kiện đưa ra thị trường Việt Nam, để cung cấp tới người dùng./.



Thảo Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top