Ý tưởng thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp số được nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực gợi mở từ tháng 2/2022. HTX với 12 thành viên đã chính thức được ra mắt và đi vào hoạt động và là HTX dịch vụ nông nghiệp đầu tiên của Bình Phước trong lĩnh vực nông nghiệp số. Anh Đặng Dương Minh Hoàng, chủ Nông trại Thiên Nông (huyện Bù Gia Mập) được các thành viên thống nhất bầu giữ chức danh giám đốc.
Theo nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Bình Phước là một tỉnh có tiềm năng lớn về nông nghiệp. HTX mang sứ mệnh phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân tỉnh nhà, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối các nông dân Bình Phước với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho các sản phẩm của địa phương. “Những người nào không có khả năng tự đi một mình thì chúng ta đi cùng nhau dưới mô hình liên kết chuỗi”, bà Thực chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ sở hữu của Gia Bảo Ecofarm chuyên canh tác sầu riêng tại thị xã Phước Long, cho biết, anh tham gia vào ban vận động thành lập HTX từ tháng 2/2022. Từ khi tham gia, thành viên trong ban đã liên kết được các đơn vị giúp giải quyết được khâu bảo quản giống với phương pháp ướp đông bằng nitơ. Từ đó mà anh giải quyết hàng hóa tồn đọng, tránh thua lỗ.
Theo anh Đặng Dương Minh Hoàng - Giám đốc HTX nông nghiệp số Bình Phước, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là thực trạng nhức nhối của nền nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là nhiệm vụ “sống còn” cho tương lai của nền nông nghiệp nước ta; qua đó, chuyển đổi số sẽ giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, thông tin minh bạch, chính xác, kết nối sản xuất cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường…
Trong khuôn lễ ra mắt, HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước đã ký kết biên bàn ghi nhớ với Sở Công thương và Hội Nông dân tỉnh Bình Phước. "Tất cả các thành viên của HTX rất mong có thể chung tay, góp sức cùng với các ngành, các cấp để nâng tầm giá trị và thương hiệu của nông sản địa phương; tích cực xây dựng, phát triển thị trường trong và ngoài nước giúp nền nông nghiệp của tỉnh nhà sớm cất cánh trong tương lai không xa”, Giám đốc HTX nông nghiệp số Bình Phước nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang, Bình Phước hiện có hơn 11.000 ha cây ăn trái, trong đó cây có múi chiếm 16% tổng diện tích. Cây ăn trái đang góp phần mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân trên địa bàn tỉnh. Để xúc tác cho nền nông nghiệp phát triển, Bình Phước cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh và triển khai hỗ trợ đưa các HTX, nông hộ lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã đề ra quyết tâm đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5 đến 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.
"Việc ra đời HTX dịch vụ nông nghiệp số là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh và các nông hộ tại địa phương tiếp cận với chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động mở rộng thị trường đầu ra, thu hút nguồn khách hàng đa dạng ở mọi lúc, mọi nơi và giảm bớt khâu trung gian để tăng giá trị lợi nhuận sản phẩm...", Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.