Sinh viên học viễn thông sẽ giống với sinh viên trường y
“Sau 30 năm, Viettel mới đưa được mạng viễn thông di động từ cuộc sống vào trường học. Tức là để mang công nghệ vào trường học độ trễ đang là 30 năm. Giờ với phòng lab này, giảm độ trễ xuống 1 năm được không?”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi. PTGĐ Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng trả lời dứt khoát: “Viettel làm được”.
Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, PTGĐ Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng nhấn mạnh việc xây dựng phòng lab cho Học viện đi đúng với chiến lược Make in Vietnam. Theo ông Thắng, chỉ có đào tạo ra nhân lực tốt, kỹ sư giỏi, mới có thể thiết kế, chế tạo, sản xuất và làm chủ công nghệ.
Chuyên ngành của ông chính là điện tử viễn thông, vậy ông có nhớ khi còn đi học (cách đây mấy chục năm), việc thực hành/ thực tập ngành này diễn ra như thế nào không?
Thời tôi ra trường, những năm 90, cả trường chỉ có 2-3 máy tính để bàn, đăng ký giờ mới được vào dùng, khởi động bằng đĩa mềm. Khi ra trường, 100 người thì may ra có 10 người được thực nghiệm trực tiếp thôi, có những người làm gián tiếp bên ngoài hệ thống, chứ không được gõ lệnh trực tiếp.
Cá nhân tôi cũng mất tới vài ba năm để tiếp cận. Mảng của tôi là outside plant, là cáp đồng bên ngoài, chẳng bao giờ tiếp xúc với bên trong cả. Khoảng cách rất lớn, mình không hiểu toàn trình được, chỉ hiểu một phần outside plant (mạng ngoại vi), còn phần core network (mạng lõi) thì không tiếp cận bao giờ cả. Mà viễn thông phải hiểu End to End, từ đầu đến cuối như thế nào thì làm mới tốt được.
Mô hình của Viettel Lab so với các Lab của trường đại học giảng dạy về viễn thông khác trên thế giới ra sao?
Theo như tôi được biết, các trường đại học công nghệ trên thế giới thì hệ thống Lab của họ cũng như hệ thống thật: có cả End to End, nghĩa là từ thiết bị đầu cuối, qua hệ thống truyền tải, đến thiết bị mạng lõi, các ứng dụng… Như vậy, ở họ là không còn khoảng cách giữa thực hành trong phòng Lab với bên ngoài nữa. Đây là cái có thể giúp cho các bạn sinh viên không bỡ ngỡ khi ra trường.
Viettel Lab là một mạng di động 4G thu nhỏ, giống hệt như một hệ thống thật ngoài đời, chỉ khác về quy mô và hoàn toàn do các kỹ sư của Viettel thiết kế và chế tạo nên. Với một hệ thống như thế, các sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông sẽ có thể tác nghiệp như một kỹ sư trên hệ thống thật, hoàn chỉnh. Đây là điều mà trước đây các kỹ sư phải cần kinh nghiệm nhiều năm mới được làm và chủ yếu cũng chỉ hiểu một phần của hệ thống.
Một kỹ sư mới ra trường thường mất bao lâu mới có thể quen với công việc và nếu như có phòng Lab này, khoảng thời gian đó sẽ rút ngắn còn bao nhiêu?
Tối thiểu, các bạn phải mất 6 tháng đầu tiên để học về quy định, nguyên tắc khai thác. Trực tiếp thực hiện các câu lệnh, tác động tới hàng chục triệu khách hàng dù sao cũng sẽ gây ra tâm lý nặng nề với các bạn. Chúng tôi thường làm vào lúc nửa đêm là vì vậy, dù rất tự tin nhưng vẫn có rủi ro. Hầu như phải từ 6 tháng đến 1 năm công tác thì các bạn mới có thể mạnh dạn gõ lệnh, chẳng hạn như SIS liên quan đến quản lý thuê bao, các câu lệnh liên quan đến cước…
Tôi nghĩ là với 4-5 năm học ở trường, các bạn được thực hành sớm hơn, không phải đến năm 4 mà năm 2 hay năm 3 đã được thực hành. Điều này giống như sinh viên ở trường y, được đi thực tập sớm thì các bạn sẽ không còn khoảng cách quá lớn giữa lý thuyết và thực tiễn khi ra trường nữa.
Sáng tạo không giới hạn với Viettel Lab
Với không ít ngành, có thực trạng là muốn làm tốt thì phải ra nước ngoài học vì điều kiện thực hành trong nước chưa tốt bằng. Ngành viễn thông Việt Nam với mô hình đào tạo mà có những nơi như Viettel Lab có gì thay đổi không?
Với lĩnh vực viễn thông, tôi không nghĩ là nước ngoài hơn Việt Nam về mặt đào tạo đâu. Các thầy cô ở Việt Nam không thua kém gì các thầy cô trên thế giới về giảng dạy. Khi có thêm các hệ thống hỗ trợ, giáo cụ như phòng Lab này, tôi tin là năng lực đào tạo viễn thông của chúng ta không có khoảng cách với các nước, chỉ là phương pháp đào tạo thôi.
Ngoài việc giảm đi khoảng cách giữa học và hành, giữa lý thuyết và thực hiện, khi thực hiện tài trợ Viettel Lab cho Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Viettel còn nhìn thấy điều gì khác?
Về phía Viettel, chúng tôi cho rằng, nếu có sự kết hợp giữa nhà sản xuất và nhà trường sẽ có rất nhiều cái lợi. Đầu tiên, các bạn sinh viên, các thầy giáo, cô giáo là những người nhiều sáng tạo, nhiều ý tưởng. Quá trình thực hành của họ với thiết bị giúp chúng tôi kiểm chứng lại thiết bị. Ví dụ như các tính năng, độ bền của thiết bị… Họ phản hồi lại và chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện.
Thứ hai, sự sáng tạo trong môi trường sư phạm rất lớn. Sáng tạo trong khai thác là hệ thống thực rồi, nhưng sáng tạo trong hệ thống thực thì rất rủi ro nên cũng có những hạn chế. Với hệ thống chưa có thuê bao như Viettel Lab thì sẽ có thể sáng tạo không giới hạn. Trong quá trình đó, nhà trường và sinh viên có thể tạo ra những sản phẩm mới, ứng dụng mới, giúp Viettel tạo ra tính năng mới cho thiết bị.
Thứ ba, tất nhiên, chúng tôi cũng mong muốn nhận được nguồn nhân lực từ các trường đại học. Việc các bạn sinh viên được thực hành tốt sẽ xóa đi khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Khi các bạn ra trường, chúng tôi cũng hy vọng có thể tiếp nhận các bạn, để Viettel không phải mất nhiều thời gian cho việc đào tạo, các bạn không còn bỡ ngỡ mà có thể làm việc được ngay.
Việc đầu tư cho giáo dục đóng vai trò như thế nào trong việc làm chủ công nghệ của Viettel?
ICT là lĩnh vực cần rất nhiều nhân lực cho doanh nghiệp cũng như cho đất nước. Viettel cũng làm đúng với chủ trương, như Bộ trưởng đã khởi động chiến lược “Make in Vietnam”. Để “Make in Vietnam” được thì phải có nhân lực tốt, kỹ sư giỏi đã; sau đó chúng ta mới có thể thiết kế, chế tạo, sản xuất và làm chủ được.
Khi Viettel triển khai 5G thành công thì phòng lab có được cập nhật luôn hay không?
Viettel đang trong những giai đoạn cuối cùng để ra mắt thiết bị 5G do chúng tôi sản xuất, nhưng tất nhiên phải thương mại hóa thành công đã. Dự kiến, năm 2021 sẽ có những thiết bị thương mại đầu tiên của Viettel với 5G. Sau đó, chúng tôi cũng sẽ xem khả năng đáp ứng của mình để trang bị phòng lab cho sinh viên.