Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các Sở TT&TT trên toàn quốc.
Lĩnh vực Thông tin điện tử đã có những bước tiến đáng kể năm 2024
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá cao những đóng góp của lĩnh vực thông tin điện tử trong năm qua.
Mạng xã hội trong nước mặc dù thu hút ngày càng đông người dùng Việt Nam, nhưng vẫn chưa đạt được sức ảnh hưởng mạnh mẽ như các nền tảng xuyên biên giới. Tuy nhiên, các nền tảng quốc tế đã có bước tiến trong việc hợp tác với cơ quan quản lý để xử lý nội dung vi phạm và tăng cường truyền thông về tin giả, tin lừa đảo.
Trung tâm xử lý tin giả và thông tin xấu độc của Bộ TT&TT đã kết nối với các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia, giúp các tỉnh, thành chủ động xác minh và xử lý vi phạm nhanh chóng, đồng thời phối hợp hiệu quả giữa các địa phương khi có vụ việc liên quan đến nhiều khu vực.
Trong năm qua, Bộ TT&TT cũng đã chú trọng xử lý tình trạng "báo hóa" trang tin điện tử và mạng xã hội. Các giải pháp như thanh tra, kiểm tra, xử phạt và đình chỉ hoạt động đã giúp giảm thiểu vi phạm, mặc dù vẫn còn tồn tại một số trường hợp.
Đặc biệt, quản lý quảng cáo xuyên biên giới đã đi vào nề nếp, với sự tuân thủ quy định ngày càng cao từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn. Ngành công nghiệp trò chơi điện tử cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó Ngày hội Gameverse 2024 được tổ chức thành công, thu hút hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với các nền tảng xuyên biên giới. Sự kiện này không chỉ giúp kết nối DN khởi nghiệp mà còn thúc đẩy đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp vào Chiến lược phát triển ngành trò chơi điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2025-2030.
Trong năm qua, Bộ TT&TT đã phối hợp cùng với các DN sản xuất và phát hành trò chơi điện tử triển khai được nhiều hoạt động quan trọng có tính chất định hướng phát triển ngành, như: Đã tổ chức được lần thứ 2 Ngày hội Gameverse 2024, mang tầm vóc quốc tế với sự tham gia của hơn 60 DN trong và ngoài nước, các nền tảng xuyên biên giới lớn cùng tham gia với chuỗi các hoạt động, sự kiện, hội thảo, cuộc thi hỗ trợ các DN khởi nghiệp, hợp tác kêu gọi đầu tư nước ngoài; Xây dựng Chiến lược quản lý và phát triển ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030.
“Điều này cho thấy các DN đã sát cánh với cơ quan quản lý cùng nhau thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tình trạng game lậu, game cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường game trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Trong năm 2025, các cơ quan quản lý có liên quan, các DN game trong nước cần phối hợp để rà quét, phát hiện và triệt để xử lý tình trạng game lậu, game bất hợp pháp.
Trước những kết quả đã đạt được, thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long ghi nhận sự nỗ lực và đóng góp của các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực TTĐT.
Phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết, ngày 9/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Nghị định 147 chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam, như quy định về bắt buộc các mạng xã hội phải: Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội - quy định này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản mạng xã hội.
Ngoài ra, Nghị định 147 sẽ tập trung triển khai xử lý vấn đề báo hóa trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện các thủ tục hành chính về cấp phép game từ Bộ xuống các đơn vị thực thi, từ Trung ương xuống địa phương; Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý thông tin trên mạng theo nguyên tắc “các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia quản lý ngành, lĩnh vực trên mạng như trong đời thực”… và nhiều quy định khác nhằm tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực thông tin điện tử.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cũng thông tin về một số điểm mới trong Nghị định số 147/2024 (có hiệu lực từ ngày 25-12-2024).
Trong đó, có việc các mạng xã hội xuyên biên giới, các nền tảng phải thoả thuận với các cơ quan báo chí về việc có cho phép nền tảng xuyên biên giới sử dụng bài báo của mình, chia sẻ đường link, chia sẻ nội dung bài báo hay không, nếu không thoả thuận được thì các nền tảng xuyên biên giới không được sử dụng những nội dung của báo chí Việt Nam.
Theo ông Lê Quang Tự Do, các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng vô danh nên vô trách nhiệm. Ngoài ra, các nền tảng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho Bộ TT&TT, Bộ Công an khi có yêu cầu đối với những tài khoản, trang kênh có dấu hiệu vi phạm.
"Khi quy định này được thể chế, tất cả các nền tảng ở trong nước và nước ngoài đều phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp danh tính của người dùng tài khoản đó" - ông Do nói.
Mạng xã hội Việt Nam đạt trăm triệu người dùng
Thông tin thêm về hoạt động TTĐT năm 2024 và định hướng năm 2025, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: Năm 2024, đã có thêm 80 trang TTĐT tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép.
Tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 tài khoản.
Năm 2024, Bộ TT&TT đã cấp 23 Giấy phép trò chơi điện tử G1, 30 Giấy chứng nhận trò chơi điện tử G2, G3, G4. Bộ TT&TT cũng đã cấp cấp 13 Giấy xác nhận thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Theo ước tính của Cục PTTH&TTĐT, năm 2024 doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023. Số lượng lao động ngành game năm 2024 ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023.
Trong năm 2024, Bộ TT&TT và Sở TT&TT các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang TTĐT, trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng,
Các Sở TT&TT địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật (20 trường hợp biểu hiện “báo hóa”), rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm (buộc thu hồi 2 tên miền).
Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả là Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỷ lệ 93%)./.