Theo Nikkei Asia, các công ty công nghệ về nông nghiệp của Israel đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở khu vực Đông Nam Á thông qua các chương trình nông nghiệp song phương.
"Những gì Israel đang cung cấp chủ yếu là công nghệ, như hệ thống tưới nhỏ giọt, phương pháp này sử dụng nước hiệu quả hơn, ít phụ thuộc vào năng lượng hơn" – Trích lời Đại sứ Israel tại Singapore Sagi Karni.
Theo Tổ chức Phi lợi nhuận Tony Blair, vào năm 2019, Israel đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phương pháp quản lý nước trong nông nghiệp, mặc dù 2/3 diện tích đất ở quốc gia này là đất bán khô cằn hoặc đất kém dưỡng chất.
Kết quả là, Isreal có thể sản xuất 300 tấn cà chua mỗi ha, cao hơn nhiều so với mức trung bình chỉ 50 tấn trên toàn thế giới. Quốc gia này cũng là nước đi đầu trong việc xử lý sau thu hoạch đối với cây trồng, tỷ lệ lượng ngũ cốc bị thất thoát chỉ ở mức 0,5%. Trong khi đó, tỷ lệ này trên thế giới chiếm tận 20%.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, với hơn 100 triệu ha đất nông nghiệp, Đông Nam Á là những nhà sản xuất, cung cấp và xuất khẩu lớn với các loại cây trồng và ngũ cốc, đặc biệt là gạo.
Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực này đang phải vật lộn với các mối đe dọa về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu cũng như chuỗi cung ứng lương thực bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Vì lẽ đó, kinh nghiệm của Israel về nông nghiệp sẽ là giải pháp cho một số quốc gia trong khu vực đang tìm cách cải thiện chất lượng canh tác.
Theo công ty nghiên cứu Oxford Economics, vào năm 2019, lĩnh vực nông sản thực phẩm đã đóng góp 717 tỷ USD cho các nền kinh tế Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, tăng 30% so với năm 2015. Lĩnh vực này đã cung cấp 127 triệu việc làm trên khắp khu vực, toàn bộ lực lượng lao động ở những quốc gia này chiếm 48%.
Cụ thể, cần phải có các công nghệ bền vững với môi trường, tiết kiệm nước, chẳng hạn như tưới vi mô, để giải quyết toàn diện các thách thức về an ninh nước và lương thực toàn cầu, giúp nông dân tiếp cận các giải pháp hợp lý.
Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của mình, sự hiện diện của Israel trong lĩnh vực nông sản thực phẩm ở Đông Nam Á sẽ phát triển, ngay cả trong các nền kinh tế phi nông nghiệp như Singapore - quốc gia đã đặt mục tiêu sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng vào năm 2030. Tuy nhiên, chi phí của việc áp dụng công nghệ là một thách thức đáng kể ở Đông Nam Á khi phần lớn người nông dân vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động giá rẻ trong nông nghiệp.
Liên quan đến việc chuyển giao các phương pháp canh tác của Israel sang Đông Nam Á, Đại sứ Karni nhận định: "Có một vấn đề đó là tìm ra giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế. Rõ ràng, nếu một số quốc gia chưa đủ khả năng chi trả công nghệ đắt tiền thì họ sẽ phải xem xét các công nghệ khác nhau hoặc các giải pháp khác phù hợp hơn để thay thế."
Vì vậy, những doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp của Israel, ví dụ như Netafim hy vọng có thể cung cấp cho nông dân các giải pháp tiết kiệm chi phí tối đa và coi nhiệm vụ này như một phần trong sứ mệnh của công ty.
Giám đốc điều hành của Netafim - Gabriel Miodowni chia sẻ: "Chúng tôi đã làm việc với nông dân, một vài hợp tác xã lớn và các nhà đầu tư tư nhân trên khắp Campuchia, Philippines, Indonesia và Việt Nam để cung cấp cho họ các giải pháp nhằm hiện đại hóa hệ thống trang trại. Nhờ vậy, có thể giúp người dân những nơi này cải thiện năng suất đồng thời giảm chi phí hoạt động".
Ông cho biết rằng khoảng 60% diện tích đất đã được hưởng lợi từ hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mini do các công ty Israel cung cấp, duy trì sản xuất ổn định bất kể biến đổi khí hậu và kiểu mưa. Công nghệ tưới nhỏ giọt giúp năng suất tăng từ 20% đến 30%, đồng thời cải thiện và ổn định chất lượng cũng như kích thước của năng suất cây trồng.
"ASEAN được coi là một trong những khu vực nông nghiệp có năng suất cao nhất trên thế giới. Vì thế, việc triển khai các giải pháp công nghệ nông nghiệp như hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ thúc đẩy khu vực này phát triển.", theo ông Miodowni nhận xét.