Nông dân khá lên nhờ đường nông thôn rộng mở
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, tính từ năm 2018 đến nay, nhờ sự vận động tích cực của các cấp hội, hội viên, nông dân trong huyện đã ủng hộ nhiệt tình phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
"Ngoài sự đóng góp gần 41 tỷ đồng để xây dựng các công trình dân sinh, bà con nông dân còn hiến hơn 2.400m2 đất và trên 12.680 ngày công lao động để nâng cấp gần 200 km đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó là nạo vét 600 km kênh mương nội đồng và sửa chữa 4 cầu, cống thoát nước và nhiều công trình phúc lợi khác..." ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.
Theo ghi nhận và đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, hiện có nhiều tuyến đường xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông nông thôn được hội viên, nông dân trong huyện đóng góp kinh phí thực hiện. Nhờ đó, đã góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng bộ mặt nông thôn huyện Hàm Thuận Bắc ngày thêm tươi đẹp…
Theo ghi nhận của Dân Việt vào những ngày cuối tháng 5/2023, nhờ các tuyến đường giao thông nông thôn rộng mở, đời sống của bà con nông dân các xã vùng sâu của huyện Hàm Thuận Bắc phát triển mạnh lên từng ngày...
Mặc khác, tuyến đường ĐT 714 lên các xã vùng cao kết nối với TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), các tuyến đường giao thông nông thôn liên huyện, xã đã được trải bê tông nhựa thông thoáng, sạch đẹp đã làm đẹp thêm những vùng nông thôn mới…
Gần đây nhất là tuyến Quốc lộ 28 vừa được kết nối vào cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo đã tạo thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản từ Quốc lộ 1 đi qua huyện Hàm Thuận Bắc, lên tỉnh Lâm Đồng.
Trao đổi với Dân Việt, nông dân Lê Thanh chuyên trồng thanh long ở thị trấn Ma Lâm( huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, nhờ giao thông nông thôn thuận lợi, kết nối vào tuyến đường liên xã nên bà con ai cũng vui.
"Từ ngày đường giao thông nông thôn rộng mở, nhiều xe tải nhỏ vào tận vườn vận chuyển hàng hóa, nên nông sản của bà con nông dân vừa thu hoạch xong đã được chuyển đến điểm thu mua, các nhà máy đóng gói và nhanh chóng đến tay người tiêu dùng ở khắp các vùng miền nên bà con vui lắm…", nông dân Lê Thanh An nói.
Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, diện tích cây thanh long trên địa bàn hiện có khoảng hơn 5.800 ha (đứng thứ 2 toàn tỉnh sau huyện Hàm Thuận Nam). Nhiều mô hình kinh tế trang trại, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện phát triển rất mạnh… Toàn huyện hiện có 45 trang trại, với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, mít Thái…
Nhờ đó, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp ngày càng đa dạng, năng suất, sản lượng ngày tăng cao, đời sống của người dân trên địa bàn huyện khá lên thấy rõ…
Một trong những xã giàu nhất nhì huyện Hàm Thuận Bắc là xã Đa Mi. Mấy năm qua, bà con nông dân xã này kinh tế khá lên thấy rõ nhờ trồng sầu riêng.
Theo UBND xã Đa Mi, nhờ các tuyến đường giao thông nông thôn rộng mở, bà con ở các tỉnh lân cận tìm về đây làm nông nghiệp. Cây sầu riêng phát triển tốt trên vùng đất này, nhờ đó đã giúp cho kinh tế, đời sống của bà con nông dân trong xã phát triển rõ rệt, khá giả lên từng ngày …
Hàng trăm nông dân được khen thưởng
Theo Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, trong năm 2022 - 2023, các cấp Hội Nông dân huyện đã đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, bám sát sự chỉ đạo của Hội cấp trên, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Việc này nhằm chỉ đạo, điều hành hiệu quả, sát với thực tế ở cơ sở, nổi bật nhất là công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Các phong trào thi đua lớn của Hội tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng, phát triển.
Hội đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 97 cán bộ chi, tổ Hội Nông dân cơ sở, gần 4000 lượt hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn trên.
Thông qua các lớp này, các hội viên nông dân đã nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, chăn nuôi. Hội Nông dân huyện đã phối hợp các cơ sở thành lập mới 18 mô hình HTX và tổ hợp tác kinh tế với 226 thành viên tham gia. Thành lập mới 5 hợp tác xã, có 82 nông dân tham gia, thành lập mới 17 tổ Hội nghề nghiệp, có 195 nông dân tham gia, thành lập 1 Chi Hội nghề nghiệp, có 15 người tham gia, thành lập mới 10 Câu lạc bộ khuyến nông có 125 thành viên tham gia…
Thông qua các HTX, tổ hợp tác, Câu lạc bộ khuyến nông, tổ hội nghề nghiệp, các hộ nông dân chia sẽ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp vốn, hỗ trợ về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy, hiệu quả kinh tế của các hộ bước đầu được nâng lên.
Theo Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, kết quả bình xét giai đoạn 2017- 2022 đã bình chọn, tôn vinh 10.829 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ghi nhận sự đóng góp này, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã khen thưởng 1 tập thể, 24 cá nhân.
Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, (tỉnh Bình Thuận) trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Quan tâm công tác đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học, kỹ thuật, cây, con giống. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường, tạo nền sản xuất nông nghiệp bền vững.