“Nhận lương linh hoạt” qua ứng dụng sẽ trở thành tiêu chuẩn trả lương mới trong tương lai

Thứ ba, 22/11/2022 17:50

Mặc dù hàng loạt nền tảng "nhận lương linh hoạt" ra đời như Vui App, GIMO, mBox..., nhưng theo các chuyên gia, 2 - 3 năm tới mới là thời điểm bùng nổ của mô hình này ở Việt Nam. Sự bùng nổ của các nền tảng này đến từ 2 yếu tố chính gồm nhu cầu thị trường và thành công đi trước trên thế giới.

 Nở rộ mô hình "nhận lương linh hoạt" ở Việt Nam

Đầu tháng 8/2022, Nano Technologies Việt Nam - doanh nghiệp (DN) tiên phong cung cấp mô hình "nhận lương linh hoạt" thông qua sản phẩm Vui App - đã huy động thành công 6,4 triệu USD (150 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn tiền series A do Openspace dẫn dắt. Với dòng vốn đầu tư mới, Nano định hướng phát triển trở thành nền tảng phúc lợi và lương linh hoạt dành cho người lao động (NLĐ) Việt Nam, đồng thời giải quyết vấn đề bức thiết của DN. Đó là làm sao gia tăng sự gắn kết với đội ngũ và bảo vệ lực lượng lao động trước biến động của thị trường.

Trước đó, vào giữa năm 2021, Nano Technologies cũng đã huy động được 3 triệu USD trong các vòng tiền hạt giống và hạt giống. Ra mắt năm 2020, Vui App đã phát triển ấn tượng trong giai đoạn thị trường khó khăn, với hơn 100.000 cán bộ, nhân viên (CBNV) tại các tập đoàn hàng đầu như FPT Retail, Central Retail, Family Mart, Kangaroo, Gỗ Trường Thành,… có thể "nhận lương linh hoạt" qua ứng dụng Vui App. Nano đặt mục tiêu sớm phục vụ 500.000 NLD, đặc biệt trong thời kỳ vật giá leo thang hiện nay.

20221215-pg14.jpg

Không chỉ Vui App, một ứng dụng "nhận lương linh hoạt" khác là GIMO cũng đã huy động vốn thành công 1,9 triệu USD vòng hạt giống do Quỹ Integra Partners của Singapore dẫn dắt vào cuối năm 2021. Ra mắt vào đầu năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng GIMO đã hợp tác với gần 80 công ty và phục vụ hơn 350.000 NLD trên cả nước.  Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, quy mô khách hàng, số tiền tạm ứng… đều đã tăng trưởng từ 5 - 10 lần so với năm 2021.

Một startup khác cũng mới tham chiến thị trường "ứng lương linh hoạt" là mBox do Cựu Phó Tổng giám đốc VCCorp Tuấn Nguyễn sáng lập. Giải pháp được cho là "cứu cánh" của NLĐ và các DN ngay thời kỳ hậu COVID-19 với kỳ vọng làm thay đổi thói quen nhận lương và cách thức trả lương chỉ 1 tháng 1 lần như trước đây.

Thậm chí, chỉ cần lên Google và tìm kiếm với từ khoá "ứng lương linh hoạt", bất kì ai cũng có thể tìm kiếm những đơn vị cung cấp dịch vụ này như Tanca, Ekko, Interloan, Weway…

Ngoài các startup, những DN cung cấp SaaS (Phần mềm dưới dạng dịch vụ - Software as a service - SaaS) đã tham gia cung cấp dịch vụ này cho các DN. Theo đó, vào đầu năm 2022, công ty 1Office đã cho ra mắt giải pháp Ứng lương linh hoạt - 1Office Care và Quỹ Ứng lương trị giá 100 tỷ đồng để hỗ trợ các DN sử dụng. 1Office Care là giải pháp được xây dựng với tầm nhìn trở thành tính năng phục vụ trực tiếp cho NLĐ trong các DN đang ứng dụng 1Office. Với 1Office Care, các DN sẽ "mượn trực tiếp" tiền của Quỹ Ứng lương 1Office để đáp ứng nhu cầu ứng lương của NLĐ, sau đó khi đến hạn trả lương định kỳ thì DN sẽ hoàn trả lại phần ứng lương đó cho 1Office.

Bùng nổ đến từ nhu cầu thị trường và sự thành công của mô hình ở các nước khác

Lý giải về việc bùng nổ các ứng dụng theo mô hình "nhận lương linh hoạt", ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc GIMO cho biết, nguyên nhân đầu tiên đến từ phía NLĐ khi mà họ luôn mong muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính tốt, tử tế…

Nguyên nhân thứ 2 là do dịch bệnh và kinh tế khó khăn nên làm giảm khả năng tạo ra thu nhập của nNLĐ. Vì vậy, họ không thể vay tín chấp hay vay nóng với lãi suất cao như trước. Đó là lý do tại sao họ tìm đến những giải pháp tài chính thay thế phù hợp hơn như mô hình "nhận lương linh hoạt".

Đây cũng là thời điểm mà các mô hình chi và "nhận lương linh hoạt" tương đối phát triển ở các nước khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore…

"Tất cả những yếu tố này đã giúp cộng hưởng lại khiến cho mô hình này trở thành trào lưu, một xu hướng fintech ở Việt Nam", ông Quân khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Đoàn Hải Nam, Quản lý Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp của ThinkZone Ventures cho biết, có thể nói, sự bùng nổ của các nền tảng "nhận lương linh hoạt" đến từ 2 yếu tố chính gồm nhu cầu thị trường và thành công đi trước trên thế giới.

Về nhu cầu thị trường, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, trong đó tỷ lệ người lao động phổ thông lớn, nhưng chỉ 21% dân số có thể tiếp cận tới các dịch vụ tài chính của ngân hàng để giải quyết các vấn đề tài chính phát sinh, nhiều người lao động phải dựa vào các khoản vay nặng lãi với rủi ro cao. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến nhiều doanh nghiệp, và người lao động, gặp khó khăn về tài chính, làm tăng thêm nhu cầu tìm kiếm các giải pháp tài chính nhanh chóng và an toàn.

Về bài học thành công trên thế giới, mô hình "nhận lương linh hoạt" cũng đã được kiểm chứng bởi nhiều startup lớn ở các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Indonesia,... Điều này giúp các startup Việt Nam có thêm bài học kinh nghiệm và sự tự tin để áp dụng mô hình này ở Việt Nam.

"Một số yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của mô hình này bao gồm: nhu cầu tăng phúc lợi cho NLĐ từ các chủ DN, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động trong cộng đồng người lao động ở thành thị và nông thôn,...", ông Đoàn Hải Nam nói.

Ông Nguyễn Bình Nam, CEO Opla CRM cho rằng, nhu cầu chi tiêu nhiều hơn "khả năng tài chính hiện tại" không phải là vấn đề mới. Nếu như người có thu nhập cao có thẻ tín dụng, còn đại đa phần những NLĐ phổ thông, thu nhập thấp khi gặp khó khăn về tài chính chỉ có thể cầm đồ hoặc vay nóng với lãi suất cao. Vì vậy, mô hình "nhận lương linh hoạt" mở ra một xu hướng tương tự như thẻ tín dụng dành cho những người có thu nhập thấp.

Đại diện Nano cũng cho biết, theo thống kê, 84% NLĐ lo lắng về tiền bạc tại nơi làm việc, 51% thừa nhận tình hình tài chính hiện nay khó khăn hơn thời điểm dịch bệnh, 84% lo lắng về tiền bạc tại nơi làm việc, 37% sẵn sàng chuyển việc. Đây là lúc NLĐ cần nhất sự hỗ trợ từ DN, và DN cũng cần gia tăng lòng tin, sự gắn kết đội ngũ.

Do đó, mô hình "nhận lương linh hoạt" đang và sẽ trở thành xu thế tất yếu với NLĐ và DN trong thị trường lao động tại Việt Nam. Hiện nay, mô hình này vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển thị trường. Nhiều DN đã nhận thức rõ được nhu cầu "nhận lương linh hoạt" của NLĐ, để chuyển đổi sang cách làm mới cần nhiều đòn bẩy, đặc biệt là công nghệ.

Nhu cầu của NLĐ sẽ được nhìn nhận rộng rãi hơn trong thời gian tới, và thay đổi cách trả lương cũng sẽ dần trở thành một nhu cầu "sát sườn" hơn với nhiều DN, trong bối cảnh thị trường lao động đang khát nhân lực, DN đang phải tìm mọi cách để thu hút lao động. Đồng thời, tâm lý của NLĐ cũng đã thay đổi nhiều sau 2 năm biến động. 

 

"Khi quyền tiếp cận thu nhập linh hoạt đang dần trở nên phổ biến bởi các ngành trong nền kinh tế chia sẻ như tài xế công nghệ, nhân viên giao hàng,..., NLĐ sớm đòi hỏi và DN phải thay đổi để đón đầu nguồn lao động", đại diện Nano khẳng định.

2 - 3 năm tới sẽ là thời điểm mô hình được ứng dụng rộng rãi

Đánh giá về mô hình "nhận lương linh hoạt" trong thời gian tới, theo ông Quân, giải pháp này sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Khi mà, thị trường Việt Nam thường có độ trễ nhất định so với các nước ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Vì vậy, 2 - 3 năm tới sẽ là thời điểm bùng nổ của mô hình này ở Việt Nam.

Cơ sở lớn nhất để GIMO tin tưởng vào điều này là việc người dùng đã đón nhận mô hình này một cách tích cực cũng như đã giải quyết được bài toán mà họ gặp phải. Điều này thể hiện ở thống kê trong báo cáo của GIMO, khi  80% người dùng GIMO họ cảm thấy hài lòng với chính sách DN áp dụng và 40% không vướng phải tín dụng đen. Đây là những thành công ban đầu của mô hình "nhận lương linh hoạt" ở Việt Nam.

Chưa kể đến, khi thị trường phát triển, chính sách và ý thức của NLĐ, DN đều tăng lên, hạ tầng thanh toán sẽ tạo điều kiện cho mô hình này phát triển. Như tại Mỹ và các nước châu Âu, mô hình này thành công rất ấn tượng, trong bối cảnh DN có nhiều kỳ trả lương nhưng không đủ chi phí để thực hiện. Để rồi, sẽ có đơn vị thứ 3 kết nối, tạo mảnh ghép phù hợp, ứng tiền cho NLĐ và nhận lại tiền từ DN giống như cách các ứng dụng GIMO đang thực hiện.

Hơn thế nữa, theo ông Quân, trong tương lai, GIMO mong muốn việc "nhận lương linh hoạt" sẽ trở thành một chính sách cơ bản của bất kì DN, tổ chức nào ở Việt Nam, trở thành phúc lợi của NLĐ. Giống như câu chuyện ví điện tử cách đây 5 - 10 năm trước, không ai nghĩ nó sẽ phổ biến ở Việt Nam như hiện nay.

Đại diện Nano cho biết, mô hình "nhận lương" sẽ là tiêu chuẩn trả lương mới của môi trường làm việc tương lai, nhân văn hơn, toàn diện hơn. Bởi vì, it có mô hình/giải pháp nào có thể hài hòa lợi ích của nhiều bên, lợi ích của DN và lợi ích của NLĐ và lợi ích giải quyết các bài toán an sinh xã hội. Với những gì nền kinh tế Việt Nam được thử thách trong thời gian qua, đối với mọi DN, con người vẫn là tài sản có giá trị lớn nhất.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam có triển vọng và đứng trước thời cơ phát triển trở thành trung tâm sản xuất lớn của khu vực và thế giới, khi dòng vốn và chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất đang chuyển về nước ta. Khi thị trường lao động phát triển thì những tiêu chuẩn về phúc lợi cũng sẽ được nâng lên.

"Vì vậy, chúng tôi có niềm tin vào triển vọng phát triển của mô hình này tại Việt Nam. Đi cùng sự phát triển của thị trường, xã hội và định hướng chiến lược của Chính phủ, "nhận lương linh hoạt" hoạt trao quyền nhiều hơn cho NLĐ và sẽ là công cụ đắc lực đồng hành cùng các DN phát triển nguồn lực bền vững", đại diện Nano bày tỏ./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top