Thời gian qua, rất nhiều vụ việc lộ, lọt thông tin cá nhân đã xảy ra để lại hậu quả nghiêm trọng cho người dùng. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị trung gian thanh toán lưu lại thông tin của khách hàng để tiện cho các giao dịch lần sau, nếu những đơn vị này không bảo mật tốt thì mất an toàn thông tin khách hàng có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thông tin cá nhân không được bảo mật hoặc thông tin cá nhân được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã và đang tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi giúp kẻ xấu có thể tìm kiếm, sử dụng để trục lợi và thực hiện các mục đích xấu khác. Tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân, hình ảnh trên không gian mạng đang là mối lo chung của nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dùng mạng Internet.
Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức đã tiến hành đầu tư cho việc đảm bảo an toàn thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn tâm lý nếu có sự cố xảy ra thì xây dựng lại, nhưng trong kỷ nguyên số, việc mất dữ liệu sẽ khiến người dùng mất niềm tin đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, kéo theo nhiều sự cố về hệ thống và tốn kém chi phí để xử lý.
Chính vì vậy, những đơn vị thực hiện việc giao dịch trực tuyến cần có phương án bảo đảm an toàn, an ninh mạng, còn người sử dụng dịch vụ nên giao dịch ở những địa chỉ lớn, tin cậy và luôn có biện pháp tăng cường bảo mật thanh toán như mật khẩu, số điện thoại, tin nhắn mã xác thực OTP… Kể cả khi khách hàng đã thay đổi số thẻ thì thông tin về số điện thoại, thư điện tử, lịch sử mua hàng, địa chỉ nhà… cũng là nguồn thông tin mà tin tặc có thể sử dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Trước nguy cơ mất an ninh mạng ngày càng cao, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng những chiến lược an ninh bảo mật thông tin tổng thể, luôn có phương án nâng cấp hệ thống trong quá trình hoạt động, giảm rủi ro, thiệt hại cho người tiêu dùng.