ảnh minh họa
Đột quỵ vì thói quen tưởng vô hại
Theo cảnh báo của ngành Y tế, tình trạng đột quỵ ở người trẻ tại Việt Nam đang gia tăng báo động.
Theo thống kê tại các bệnh viện, khoảng 25% các ca đột quỵ có độ tuổi trong khoảng từ 18-45 và mỗi năm tăng thêm 2%, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Mới đây Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận trường hợp người đàn ông 33 tuổi bị đột quỵ, nhưng không xác định được nguyên nhân.
Tuy nhiên, khai thác tiền sử, bệnh nhân chia sẻ do công việc làm chủ nhà hàng nên thường xuyên sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá hàng ngày.
Tỉnh dậy sau giấc ngủ ban đêm, người đàn ông này xuất hiện tê liệt nửa người. Nam bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu.
Tại Khoa Đột quỵ não, kết quả phim chụp xác định bệnh nhân có nhồi máu não. Khi được bác sĩ thông báo bị đột quỵ và vào viện đã qua giai đoạn vàng can thiệp, bệnh nhân đã rất ngỡ ngàng.
Theo BSCKI Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, quá trình thăm khám anh gặp không ít trường hợp bệnh nhân trẻ, chỉ mới hơn 30 tuổi đã bị đột quỵ do có nhiều thói quen xấu.
“Đột quỵ do thói quen xấu ở người trẻ đang rất báo động. Những thói quen như lạm dụng thuốc lá, rượu bia khiến cho bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu và xơ vữa mạch máu, dẫn tới đột quỵ”, bác sĩ Cường cho biết.
Theo bác sĩ Cường, thói quen sinh hoạt nằm trong yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ não. Với căn bệnh đột quỵ não có 2 nhóm yếu tố nguy cơ. Nhóm nguy cơ không thể thay đổi là các bệnh lý mạn tính như: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu…
Nhóm nguy cơ có thể thay đổi là những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như: hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, lười vận động, thức khuya.
“Đối với nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được hiện nay, các bạn trẻ mắc phải rất nhiều. Ví dụ, tỉ lệ béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường… đang gia tăng ở người trẻ nguyên nhân chủ yếu là do chế độ thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Tại một số cơ sở y tế khác cũng ghi nhận các trường hợp đột quỵ ở người trẻ. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, Khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trường hợp đột quỵ não ở độ tuổi còn khá trẻ (từ 36 - 44 tuổi).
Còn tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, có thời điểm trong số 1.000 bệnh nhân đột quỵ đã có hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 - 44 tuổi.
Thậm chí, tại đây đã tiếp nhận trường hợp 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Khi nhập viện, bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch não…
Theo bác sĩ Phạm Văn Cường, 4 thói quen xấu gặp rất nhiều ở người trẻ Việt Nam làm gia tăng nguy cơ đột quỵ sớm:
Lạm dụng đồ uống có cồn: Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sử dụng đồ uống có cồn. Không hiếm để bắt gặp những hình ảnh người trẻ uống rượu bia tại những quán xá, nhà hàng, hè phố.
Dùng nhiều thức ăn nhanh: Các thức ăn nhanh được giới trẻ ưa thích. Loại loại thức ăn nhanh thường giàu chất béo, tinh bột, hàm lượng natri cao, trong khi ít chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nếu thường xuyên ăn sẽ ảnh hưởng rối loạn chuyển hoá lipit máu, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, xơ vữa mạch máu, đột quỵ.
Lười vận động, ít tập thể dục: Điều này là yếu tố gây thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hoá khác trong cơ thể.
Thói quen thức khuya, sinh hoạt không điều độ: Người trẻ thường thức khuya, dành thời gian chơi điện tử, lướt web, làm việc… cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới huyết áp và sức khoẻ tim mạch.
Bên cạnh đó, những căng thẳng, áp lực trong công việc cũng là một điều kiện thuận lợi khởi phát đột quỵ khi người bệnh đã có sẵn nguy cơ cao.
Gánh nặng lớn về y tế, kinh tế
Đột quỵ là biến cố xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ. Có thể chia đột quỵ thành 2 dạng: do tắc mạch máu não (chiếm 85%) và đột quỵ chảy máu não (15% các ca bệnh, thường do bất thường hoặc dị dạng mạch máu não).
Đột quỵ não là một bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Bệnh là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu thế giới.
Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ (còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua), là hậu quả của tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua.
Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.
"Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, PGS Tôn cho biết.
Gánh nặng mà bệnh đột quỵ gây ra rất nặng nề với bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Ngoài tỉ lệ lớn bệnh nhân đột quỵ tử vong thì dù có điều trị được, cơ hội phục hồi của người bị đột quỵ cũng rất khó khăn.
Theo Hội đột quỵ Hoa Kỳ, cứ 100 người bị đột quỵ thì có 70 người không thể quay trở lại những công việc trước đây người ta từng làm.
Đột quỵ não là căn bệnh không chừa một ai và dù ở độ tuổi thấp người trẻ cũng hoàn toàn không miễn nhiễm với đột quỵ. Do vậy, người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ.
Chẳng hạn, với người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng có bất thường mạch máu cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Để phòng tránh sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ, theo các bác sĩ, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ.
Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi cần tích cực vận động thể dục, thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia.
Khi có biểu hiện của đột quỵ, như: Yếu, liệt tay chân, méo miệng, nói khó cần thăm khám sớm nhất có thể ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Đặc biệt, theo các bác sĩ, để phòng ngừa đột quỵ, giải pháp quan trọng là hạn chế tăng huyết áp. Đối với người trẻ, nếu huyết áp rơi vào chỉ số tối ưu dưới 120/80 thì 5 năm sau mới cần đo lại. Còn nếu 130/80 trở xuống thì 3 năm sau mới đo lại. Người lớn tuổi thì cần đo thường xuyên để theo dõi huyết áp.
Để hạn chế mắc huyết áp cao, chế độ ăn phải ít muối; ăn nhiều rau tươi, quả tươi, hạt; hạn chế ăn thịt đỏ. Tập thể dục đều đặn ít nhất mỗi ngày 30 phút, mỗi tuần ít nhất tập 5 ngày như vậy, không nên tập quá sức, phải ngủ trước 23 giờ.
Đột quỵ là có nguyên nhân, do đó phải kiểm soát được các nguyên nhân một cách chặt chẽ. Nếu người dân bị huyết áp hay tiểu đường cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ để đạt mục tiêu đường huyết trở về trạng thái bình thường và phải duy trì mục tiêu này lâu dài, không nên uống được một vài lần thuốc thấy ổn là thôi uống thuốc.
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:
Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người).
Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
Đột ngột đau đầu dữ dội.
Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".
Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người).
Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
Đột ngột đau đầu dữ dội.
Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".