Xác định xây dựng NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, Đảng uỷ, UBND xã Nghĩa Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phát huy những thuận lợi về kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương và hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả. Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia. Xã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu; tổng kết, đánh giá và nhân rộng các điển hình, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo. Các ban, ngành, đoàn thể của xã đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu…
Để xây dựng xã NTM kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số, UBND xã Nghĩa Sơn đã thành lập 12 tổ công nghệ số cộng đồng tại 12 xóm, phân công đồng chí Trưởng xóm làm tổ trưởng và các thành viên tại chỗ để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích khi cần làm thủ tục hành chính; cài đặt một số ứng dụng cơ bản, thiết yếu như các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công, cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID... Xã đã lắp đặt, vận hành hệ thống đài truyền thanh thông minh với 1 bộ thiết bị tích hợp tự động điều khiển, 10 cụm thu phát thanh thông minh, 46 loa truyền thanh ngoài trời, 1 bộ thiết bị bật tắt tự động hệ thống nguồn. Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu từng cụm loa. Việc triển khai truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông góp phần tích cực từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn xã, nhằm đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng nội dung theo hướng kịp thời, chủ động, chính xác và hiệu quả.
Để khuyến khích người dân trên địa bàn xã tích cực tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, UBND xã lựa chọn tuyến đường bắc nam cầu Quần Liêu để triển khai xây dựng tuyến đường 4.0 (tuyến đường thanh toán không sử dụng tiền mặt). Việc triển khai mô hình tuyến đường 4.0 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được trải nghiệm hình thức thanh toán mới, hiện đại, giúp người dân tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, hướng tới hình thành các thôn xóm văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của xã. Tiêu biểu như khu dân cư Tây Sơn là 1 trong 12 thôn, xóm tiên phong xây dựng mô hình thôn thông minh. Đồng chí Nguyễn Công Đoàn, Bí thư Chi bộ khu dân cư cho biết: “Khu dân cư đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, triển khai lắp đặt điểm wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn có đường truyền kết nối internet băng thông rộng 50Mbps bảo đảm các kỹ thuật khai thác, sử dụng an toàn, an ninh thông tin phục vụ người dân. Ngoài ra, thôn còn lắp đặt các điểm camera an ninh; tổ chức tập huấn cho người dân về kiến thức, kỹ năng tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ công trực tuyến do cơ quan Nhà nước cung cấp”.
Trong phát triển kinh tế, xã đã định hướng đưa công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học để áp dụng xây dựng quy trình sản xuất minh bạch, quản lý từ khâu nhập khẩu giống, sản xuất đến bán hàng. Điển hình như trang trại nuôi lợn Khanh Trinh ở xóm 11, nằm ngoài đê Tả Đáy, cách xa khu dân cư. Để phát triển, trang trại đã liên kết sản xuất và tiêu thụ lợn thương phẩm với Công ty TNHH CJ VINA AGRI quy mô tổng đàn 2.400 con, một năm gối lứa 2 lần. Hệ thống camera theo dõi đàn vật nuôi được lắp đặt đến từng ô chuồng, giúp chủ trang trại điều chỉnh lượng thức ăn và nước uống phù hợp. Việc áp dụng công nghệ số vào chăn nuôi đã giúp chủ trang trại giảm được số lao động thường xuyên từ hơn 10 người xuống còn 4 người, đồng thời ngăn ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận. Về thương mại điện tử, quảng bá các thương hiệu của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của địa phương được thực hiện trên các kênh truyền thông, truyền hình, mạng xã hội góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ hàng hóa một cách đáng kể. Điển hình như sản phẩm mỳ phở Minh Khang xóm 9 đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh nhờ quảng bá trên các kênh truyền thông trực tuyến như: Trang thông tin điện tử của xã, trang báo mạng, trang mạng xã hội Facebook (Nghĩa Sơn 24h), Shopee… giúp sản lượng tiêu thụ tăng từ 200 tấn lên 300 tấn/năm. Bên cạnh đó, xã chủ động phối hợp với VNPT và Bưu điện huyện Nghĩa Hưng để cài đặt, hỗ trợ hướng dẫn cho nhân dân sử dụng các dịch vụ qua mạng internet. Đến nay, gần 70% số người trong độ tuổi lao động của xã Nghĩa Sơn có tài khoản và được yêu cầu thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ thu gom rác, giao dịch ngân hàng, đóng học cho con... qua tài khoản.
Đẩy mạnh xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đến nay cơ cấu lao động của Nghĩa Sơn chuyển dịch tích cực, với thu nhập của người dân năm 2023 đạt 83,9 triệu đồng/người; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,09%. 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch, 100% nhà ở đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn; trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và xanh - sạch - đẹp. Cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhiều năm liền Đảng bộ xã được Huyện ủy Nghĩa Hưng công nhận là “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, các đoàn thể quần chúng được công nhận “Tiên tiến xuất sắc”. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo.
Với sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, năm 2024 xã Nghĩa Sơn được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực chuyển đổi số. Thành quả trên là động lực để xã tiếp tục duy trì, phát triển các tiêu chí NTM kiểu mẫu, đưa quê hương ngày càng phát triển.