Song song với đó, chính quyền tỉnh cũng sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đa dạng hóa nguồn lực để phát triển chính quyền số, tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Khó khăn trong chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là vấn đề sống còn với địa phương, với doanh nghiệp, Nghệ An đã và đang tập trung triển khai các kế hoạch, giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện nay nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Chi phí đầu tư cho phần mềm, máy móc, trang thiết bị còn cao; nguồn nhân sự tiếp cận với chuyển đổi số chưa đồng đều, nhất là tầng lớp lao động trung niên còn thể hiện sự lúng túng trong việc sử dụng công nghệ…
Bà Phạm Thị Thơ – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Giải Pháp Xanh đánh giá: Riêng đối với các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ trên địa bàn thì việc đầu tư cho chuyển đổi số phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh hiện đang ở mức thấp, nguồn lực dành cho chuyển đổi số chưa đáng kể. Nguyên do là dòng vốn bị phân bổ, dàn trải quá nhiều trên mọi mặt hoạt động của công ty. Chưa kể, giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn về tài chính do biến động nền kinh tế toàn cầu.
Ở góc nhìn đơn vị quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Lợi – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An từng chia sẻ rằng: Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Vậy nhưng, thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.
Còn về địa phương, mặc dù công tác xây dựng, phát triển chính quyền số, hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số… của Nghệ An được Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, tại một số ngành, lĩnh vực vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Đơn cử như ngành du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật dành cho quá trình chuyển đổi số và hệ thống máy móc chưa đồng bộ, nguồn ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhân lực có chuyên môn còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của chuyển đổi số còn chưa cao…
Tập trung huy động nguồn lực
Trên cơ sở đó, mới đây, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2025. Trong đó, bao gồm việc tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền số bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, địa phương có 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Chính phủ. Từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của tỉnh kết nối liên thông trên 80% cơ sở dữ liệu của các sở, ngành để phục vụ quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, khai thác trọn đời.
Về kinh tế số, Nghệ An cũng hướng đến mục tiêu doanh số thương mại điện tử tăng trên 25%/năm, đạt từ 10% trở lên so với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của tỉnh. Đáng chú ý, 80% các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP,… của tỉnh Nghệ An tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Đặc biệt, phấn đấu có trên 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thực thi pháp luật và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số và hợp tác xã số.
Đưa ra các giải pháp thực hiện, Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp, địa phương cần phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ.
Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực công nghệ thông tin cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số ở Nghệ An. Trong đó, chính quyền tỉnh sẽ tập trung ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đa dạng hoá nguồn lực để phát triển chính quyền số; tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin./.