Mỗi ngày, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Hà Nam tiếp đón trên 200 lượt người đến khám bệnh, cao điểm có thể lên đến hơn 300 lượt/ngày. Để tạo thuận tiện nhất cho người dân khi đến khám chữa bệnh (KCB), bệnh viện đã triển khai nhiều hình thức đăng ký phù hợp như: sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; sử dụng ứng dụng VNeID, giúp bệnh nhân chỉ mất khoảng 30 giây là đăng ký xong các thủ tục KCB. Cùng với đó, giải pháp thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt QR động đang được triển khai tại bệnh viện cũng giúp người dân thanh toán các chi phí dịch vụ y tế, viện phí nhanh chóng, chính xác. Bệnh viện cũng đã đưa vào sử dụng máy đăng ký lấy số tự động và bảng điện tử thể hiện số thứ tự giúp người bệnh không phải xếp hàng, chen lấn và bảo đảm tính công bằng. Thậm chí, thay vì phải đến sớm, lấy số tự động thì chỉ cần thẻ CCCD, hoặc tài khoản định danh VNeID, người bệnh có thể tự đăng ký KCB bảo hiểm y tế (BHYT) thông qua hệ thống kiosk tự phục vụ và đến thẳng phòng khám theo yêu cầu.
Tuy nhiên, đây là giải pháp mới và cần thời gian để người bệnh có thể tiếp cận bởi phần lớn đối tượng KCB tại bệnh viện đều là người cao tuổi. Để chuẩn bị triển khai bệnh án điện tử trong năm 2025, đơn vị đã và đang tích cực phối hợp với VNPT Hà Nam tiến hành đánh giá hiện trạng hạ tầng bệnh viện, trang thiết bị, hệ thống phần mềm và dự toán thực hiện. Ông Hà Văn Diễn, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh cho biết: Việc triển khai bệnh án điện tử là điều không dễ dàng mà đòi hỏi quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và bảo đảm nguồn tài chính đầy đủ từ việc đầu tư hạ tầng CNTT, mua sắm phần mềm và trang thiết bị đến đào tạo nhân viên. Chúng tôi đã rà soát cơ sở vật chất hiện có, lập danh mục các thiết bị cần bổ sung, nâng cấp để xây dựng lộ trình cụ thể và sẵn sàng thực hiện. Để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai bệnh án điện tử tại viện, giúp tối ưu hóa quy trình KCB, đơn vị cần từ 1 - 2 máy chủ và 50 bộ máy tính mới để đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, do đó mong muốn tỉnh sớm có chỉ đạo về phân công đơn vị mua sắm tập trung năm 2025 để đơn vị đăng ký.
Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh về CĐS, Sở Y tế Hà Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ CĐS và Đề án 06 phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, 100% cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh thực hiện KCB bằng CCCD gắn chíp. Từ đầu năm đến nay, có hơn 1 triệu lượt người dùng CCCD gắn chíp để KCB BHYT, trong đó, số lượt tra cứu thành công đạt 93%. 100% cơ sở KCB đăng ký KCB BHYT đẩy dữ liệu tự động lên Cổng dữ liệu Bộ Y tế và Cổng giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam theo đúng quy định, kết quả giám định hồ sơ trực tuyến gửi đúng ngày trung bình đạt trên 95%. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý KCB; kết nối với ngân hàng hoặc đơn vị trung gian để thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Việc triển khai thí điểm mô hình KCB sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ tại một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.
Bên cạnh đó, Sở Y tế còn chỉ đạo, điều hành các cơ sở kinh doanh thuốc thực hiện liên thông kết nối nhà thuốc nhằm kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của thuốc. Hiện nay, 165 nhà thuốc, 360 quầy thuốc và 20 cơ sở bán buôn thuốc trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản liên thông kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đạt tỷ lệ 100%. Sở đã cấp mã liên thông cho 136 cơ sở y tế, trong đó có 70 cơ sở đã liên thông đơn thuốc lên hệ thống đơn thuốc quốc gia với tổng số hơn 1,1 triệu đơn tính từ đầu năm 2024 đến nay. Các cơ sở y tế cũng đã tích cực đăng ký tài khoản để liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, cấp giấy khai sinh, giấy khai tử lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Vừa qua, Sở Y tế đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID tại tất cả các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở KCB BHYT thực hiện liên thông dữ liệu KCB lên Cổng giám định BHYT theo Quyết định 130/QĐ-BYT và Quyết định số 4750/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Đây là các bảng số liệu phục vụ thanh toán KCB BHYT, đồng thời cũng là dữ liệu để BHXH đẩy dữ liệu vào sổ sức khỏe điện tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình CĐS và Đề án 06, ngành y tế Hà Nam còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ CĐS còn hạn chế; hạ tầng, trang thiết bị CNTT tại các đơn vị chưa đồng bộ; cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai các nền tảng cụ thể nói riêng (hồ sơ bệnh án điện tử, sổ sức khỏe điện tử, KCB từ xa...) chưa rõ ràng nên các đơn vị chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng CNTT, ảnh hưởng đến hoạt động khác của đơn vị. Thêm vào đó, việc kết nối thanh toán giữa các ngân hàng và hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS còn khó khăn do tính năng bảo mật cao của ngân hàng nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở KCB còn thấp…
Ông Phan Anh Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trong ngành nỗ lực thực hiện CĐS, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân được tốt hơn. Cùng với đó, tăng cường phối hợp triển khai thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp ứng dụng VNeID để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2025 phấn đấu sẽ có ít nhất một bệnh viện triển khai bệnh án điện tử.