Sự kiện: 79 năm Ngày Truyền thống ngành TT&TT.
- Ngành Bưu điện sinh ra từ Cách mạng:
+ Được hình thành từ những người giao liên, những người dũng cảm vượt qua khó khăn để chuyển công văn trên khắp cả nước.
+ Những người giao liên đã tạo dựng nên “10 chữ vàng ” của ngành: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình".
- Thời kỳ đầu:
+ Từ năm 1947, ngành Bưu điện bắt đầu sử dụng các máy thu phát để liên lạc giữa các tỉnh và phát thanh.
+ Sau hòa bình năm 1956, ngành bước vào thời kỳ kỹ thuật thông tin hữu tuyến và vô tuyến, xây dựng các đường dây trần nối liền thông tin liên lạc.
- Công tác đối ngoại và đổi mới:
+ Ngành Bưu điện giúp đỡ Lào và Campuchia về hệ thống phát thanh.
+ Thực hiện cuộc đổi mới lần thứ nhất với hệ thống analog và lần thứ hai trong bối cảnh đối ngoại tốt và cần tăng cường tự lực sản xuất thiết bị CNTT.
- Những người lãnh đạo tận tụy:
+ Những lãnh đạo và cán bộ gắn bó với ngành như Tổng cục trưởng Trần Quang Bình, Phó Tổng cục trưởng Võ Văn Quý và nhiều cán bộ khác.
+ Những cán bộ Bưu điện đều sống rất trong sáng, hết lòng vì đất nước kể cả khi về hưu.
- Học hỏi và phát triển:
+ Học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ Trung Quốc và áp dụng vào ngành Bưu điện.
+ Ngành Bưu điện chịu trách nhiệm phát thanh cho nhiều đài phát thanh quan trọng trong và ngoài nước, hỗ trợ hệ thống phát khí tượng, thông tin...
Đây là chia sẻ người cán bộ Bưu điện đã bước vào tuổi 91, ông Nguyễn Tăng Liêm với tôi trong ngày đầu tháng 8/2024, tháng kỷ niệm ngày truyền thống ngành Bưu điện, nay là ngành Thông tin và Truyền thông.
Người Bưu điện và ngành Bưu điện
Trong không gian ấm cúng của căn hộ được nhà nước cấp đã hơn 40 năm, ông Tăng Thanh Liêm, về hưu đã hơn 30 năm, nguyên là Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Việt Nam và từng trải qua nhiều trọng trách công tác tại Tổng cục Bưu điện đã chia sẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ về ngành Bưu điện, những con người Bưu điện trong cả một quá trình lịch sử lâu dài của Ngành, không thể nào quên.
Câu chuyện bắt đầu bằng những người giao liên mà bác cho rằng họ là những con người vĩ đại tạo dựng nên ngành Bưu điện thời kỳ đầu. Những người giao liên vai mang bị, tay cầm gậy mà bác gọi là những người “bị gậy” chuyển đưa công văn từ nơi này đến nơi khác trên khắp cả nước.
Đã từng đi bộ xuyên đất nước qua những cung đường thời kỳ gian khó từ chiến khu Quảng Trị -Quảng Bình - Hà Tĩnh - Nghệ An -Thanh Hóa - Hòa Bình, qua sông Đà - sông Hồng - sông Lô và đi về huyện Sơn Dương - tỉnh Tuyên Quang, ông Liêm cho biết người giao liên khi đó dũng cảm lắm khi phải vượt qua những nơi nhiều hiểm nguy, thường xuyên cận kề với kẻ địch nhiều thủ đoạn, âm mưu xảo quyệt, những nơi rừng rú với nhiều đêm cận kề thú dữ, ngủ màn trời chiếu đất, đói rét, quần áo ít ỏi, vượt qua những trận sốt rét, bị vắt cắn... để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
“Bác chỉ có một lần đi bộ trên quãng đường đó nhưng người giao liên phải đi nhiều lần, ngày nào cũng đi những quãng đường khó khăn như thế. Có nhiều giao liên là nữ rất quả cảm như chị Bùi Thị Nhàn (Ninh Bình) bị giặc bắt trên đường khi đang làm nhiệm vụ. Lúc đó chị vừa sinh con gái được vài tháng và gửi cho bố mẹ. Sau này chị được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Còn nhiều tấm gương người giao liên tận tụy, hết lòng vì đất đất nước như thế không thể kể hết. Ngành Bưu điện đã có 1 vạn liệt sỹ, trong đó đa phần là giao liên “bị gậy”. Những người giao liên đã trở thành thần tượng của bác” , người cán bộ Bưu điện lâu năm xúc động bồi hồi nhớ lại và chia sẻ.
Vẫn giọng nói xúc động, ông Liêm chia sẻ tiếp: Nếu những người giao liên không trung thành, sáng tạo thì không thể vượt qua thời kỳ gian khó vô cùng ấy. Họ là những người nghĩa tình vì chung công việc nên thương yêu, giúp đỡ nhau. Những con người ấy đã hình thành và làm nên 10 chữ vàng của ngành Bưu điện, Thông tin và Truyền thông ngày nay là: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” .
Sau thời kỳ đó, theo ông Liêm, quãng năm 1947, những người giao liên trong ngành Bưu điện bước vào thời kỳ của kỹ thuật. Từ những máy thu phát 15 watt, ngành đã hình thành những đài thu phát để liên lạc giữa các tỉnh với nhau và hình thành các đài phát thanh như Đài phát thanh Nam Bộ, Đồng Tháp Mười gần Campuchia... Sau hòa bình, đến năm 1956, Ngành thực sự bắt đầu bước vào thời kỳ kỹ thuật thông tin hữu tuyến và vô tuyến, bắt đầu xây dựng các đường dây trần đi các tỉnh, với cột gỗ thông sau đó là cột bê tông treo dây trần để nối liền thông tin liên lạc trên cả nước.
Quãng năm 1956 - 1957, Ngành có đài phát tín quốc tế như đài thu phát tín Trung ương ở xã Quế Dương, huyện Hoài Đức và ở Đại Mỗ, Hà Đông phục vụ thông tin quốc tế mà lần đầu tiên là phục vụ Bác Hồ đi thăm Indonesia, Ấn Độ. Đã có lần đài thu phát tín quốc tế, sau này là đài thông tin quốc tế thực hiện một cuộc kết nối điện đàm có thể nói là “lịch sử” và “kỳ diệu” từ Cam Lộ đi Moscow (Nga) một cách thông suốt. Các đài thông tin quốc tế quan trọng của ngành Bưu điện xưa kia luôn có một trung đội vũ trang bảo vệ và được theo dõi rất chặt chẽ. “Ngành ta được nắm bắt nhiều thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước như đúng vai trò và vị trí của Ngành”.
Ngành cũng đã giúp nước bạn Lào, Campuchia về hệ thống phát thanh. Lúc đó có thể nói, Ngành ta bước vào hệ thống analog, gọi là đổi mới lần 1. Ngoài thiết bị, còn là sự đổi mới của trình độ tri thức của đội ngũ, khi những người giao liên trở thành những người công nhân, kỹ sư của ngành Bưu điện, quản lý hệ thống thông tin analog và phát thanh. Nhiều cán bộ được đào tạo trong nước và nước ngoài trở về làm việc trong Ngành, phục vụ đất nước phát triển. Năm 1956, Ngành có trường Đại học Thông tin Liên lạc ở Hà Đông đào tạo cán bộ kỹ thuật hữu tuyến, vô tuyến.
“Ngành ta đã tiếp tục vượt qua khó khăn để phát triển trong thế bị cấm vận cho đến quãng năm 1995 khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ”, người cán bộ lâu năm của Bưu điện chia sẻ.
Trong thời kỳ đó đến khi đất nước bước vào những năm tháng Đổi mới, ông Tăng Thanh Liêm nhớ về những người lãnh đạo, cộng sự với nhiều kỷ niệm gắn bó như Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Trần Quang Bình, Phó Tổng cục trưởng Võ Văn Quý, Phó Tổng cục trưởng Đoàn Ngọc Chung, Kế toán trưởng của Ngành Đinh Thọ Bảy và nhiều cán bộ khác - những người rất có uy tín, tâm huyết, trong sáng và nghĩa tình.
Ông Tăng Thanh Liêm cũng nhớ đến Giám đốc Bưu điện tỉnh Đắk Lắk khi về hưu trở về quê vẫn chỉ có cái ba lô nhỏ. Phó Tổng cục trưởng Võ Văn Quý phải đi bỏ lạc rang cho các quán nước để kiếm thêm thu nhập. Nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Bưu điện Võ Văn Quý mất con mà không có tiền lo hậu sự và rất nhiều cán bộ Văn phòng Tổng cục Bưu điện, Công đoàn Bưu điện thời kỳ đó về hưu không có gì cả.
“Họ khổ quá nên bác đã “làm liều” một việc là trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Đoàn Ngọc Chung để vay 50 triệu đồng của Tổng cục gửi tiết kiệm lấy tiền trao tặng cho cán bộ Tổng cục một số tiền nhỏ bé khi họ về hưu. Ngân hàng Nhà nước sau đó vào kiểm tra, chất vấn về việc này và bác trả lời về lý thì không được nhưng tình thì thế nào?”.
Hay việc một việc khác cũng được người cán bộ 91 tuổi nhớ lại ngành Bưu điện được giao xây dựng tuyến thông tin chạy tàu bằng dây trần từ phía Bắc đi TP. HCM trong 8 tháng phải hoàn thành. “Việc này khó như lên trời vì đi bộ thôi cũng mất cả từng ý thời gian rồi chứ chưa kể đến việc xây cột đi dây trần vào tận TP. HCM”.
Lúc đó xí nghiệp bê tông ở Đức Thọ - Hà Tĩnh được giao đúc cột bê tông để đi dây trần. Anh em làm xuyên đêm, sáng không có gì ăn, đói quá!. Ông Liêm đã chỉ thị cho ông Nguyễn Văn Miên, Phó Giám đốc xí nghiệp thực hiện việc khoán để anh em có tiền mua thức ăn. Lúc đó “khoán” là việc làm trái luật. Ông Liêm lại bị ngân hàng, Công an “hỏi thăm”. Ông đã phải giải trình rồi được yêu cầu viết và ký xác nhận: “Tôi là người chỉ đạo anh Nguyễn Văn Miên làm khoán trong hoàn cảnh xây dựng 8 tháng phải xong công trình và anh em đói quá”.
“Bác dám làm những việc vì tấm lòng của mình nên không sợ. Lúc đó làm sai luật nhưng được thông cảm vì mình không làm gì cho cá nhân”, ông Tăng Thanh Liêm nhớ về kỷ niệm đó và chia sẻ.
Ông cũng nhớ lại những năm tháng đó đã đề xuất nhiều việc với lãnh đạo Ngành thậm chí là phản biện một số ý kiến nhưng đều được lắng nghe khi ở cương vị là Phó Cục trưởng Cục Xây dựng cơ bản sau đó là Cục trưởng, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Bưu điện, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Ban Công nghiệp Trung ương và Chủ tịch Công đoàn ngành Bưu điện.
Những tâm huyết đối với Ngành
Không chỉ “say sưa” với những năm tháng đáng nhớ ấy, ở ông Tăng Thanh Liêm, tôi cảm nhận vẫn còn nhiều “đau đáu” với Ngành. Với công cuộc đổi mới lần hai, bác cho rằng công tác đối ngoại của Việt Nam rất tốt hiện nay là cơ hội để Ngành nắm thời cơ. Vấn đề đối nội cũng rất quan trọng như về các vấn đề kinh tế - tài chính. Ngành ta cần quan tâm đến vấn đề này để cùng với các ngành tăng cường nguồn lực tài chính quốc gia.
Ngành cũng cần từng bước tự lực sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin - viễn thông để thoát ra khỏi “kiềm chế” của các nước lớn. “Đi từng bước dù đắt, tốn kém nhưng cần tự chủ sản xuất chip, thiết bị, phần mềm của chúng ta, thoát khỏi kiểm chế của các cường quốc công nghệ”.
Ông Tăng Thanh Liêm cũng cho rằng sự đổi mới lần này cần tiếp tục đi đôi với lực lượng tri thức trong lĩnh vực CNTT, bán dẫn, phần mềm... Ngành TT&TT cần góp phần làm nâng cao dân trí, tri thức cho đội ngũ bởi người lao động có tri thức dân trí trong các lĩnh vực mới tạo dựng nền xã hội dân chủ, công bằng. Các nước phát triển, nhân lực được đào tạo 95%, 5% còn lại là lao động chân tay.
“Phải có dân trí cao. Người lao động phải tự mình nâng cao dân trí. Ngành ta hãy giúp người lao động có nhận thức về việc này. Đây là công tác thông tin về nâng cao dân trí, tri thức”.
Cũng nói về đội ngũ, bác chia sẻ rằng các cán bộ của Ngành ta có truyền thống làm việc là rất có ý chí và dám làm, không ngại, không sợ. Khó khăn lắm vẫn quyết tâm làm. Cán bộ cấp trên biết lắng nghe cấp dưới, không áp đặt, đem lại sự tin cậy cho cán bộ. Giữa lãnh đạo và nhân viên là không khí thoải mái.
Ngày xưa “sướng lắm” không lo ngại gì khi trình bày ý kiến cả. Có thể trình bày hết ý kiến của mình một cách thẳng thắn. Có thể phản biện, trình bày ý kiến khác cấp trên như việc xây dựng tuyến đường dây hữu tuyến từ phía Bắc đi TP. HCM theo tuyến Quốc lộ 1. Việc này lịch sử ngành không ghi lại.
Ông cũng nhớ lại câu chuyện năm 1976, Phó Thủ tướng lúc đó là đồng chí Đỗ Mười, chủ trì xây dựng nhà máy xi măng Hoàng Thạch ở Uông Bí đã cho phép các thành viên tham dự phiên họp, trong đó có 1 đại biểu ngành Bưu điện, bàn bạc, trao đổi thoải mái, thậm chí tranh cãi nhưng kết luận rồi là chỉ thực hiện. Ông Liêm cũng nhớ, đồng chí Phó Thủ tướng, sau này là Tổng Bí thư Đỗ Mười năm nào cũng đến làm việc với ngành Bưu điện khi ngành đã kinh doanh có lãi, một phần nộp ngân sách và một phần để lại để trả nợ, xây dựng hạ tầng cơ bản cho Ngành.
Ngành phát triển như ngày nay, ông Tăng Thanh Liêm nhấn mạnh nhiều lần là nhờ cán bộ ngành đã sống rất trong sáng, sống hết lòng vì đất nước, kể cả khi nghỉ hưu rồi trong tay không có gì. Bởi trải qua những thời điểm rất gian khổ, nên giờ khó khăn nữa cũng thấy bình thường.
Vẫn những lời chia sẻ, ông cho biết, kinh nghiệm quốc tế về phát triển Ngành ta là rất quan trọng. Từng học tập về kỹ thuật vô tuyến ở Trung Quốc từ năm 1953 cho đến năm 1957 về nước, là người nói tiếng Trung như người Trung Quốc, được kinh qua nhiều vị trí từ làm giáo viên trường Bưu điện Hà Đông, rồi về làm việc tại Đài Phát tín Trung ương - Hà Đông, sau đó được phái sang chiến khu Sầm Nưa ở Lào xây dựng đài phát thanh Pathet Lào, làm việc ở phòng 1 - Phòng Cơ mật của Tổng cục Bưu điện, tiếp đó là phụ trách xây dựng và quản lý Đài C27 - thông tin quốc tế phát đi Cu Ba và toàn thế giới ở Gia Viễn - Ninh Bình khi các đài đều ở trong hang đá, ông Liêm khẳng định việc học hỏi luôn luôn quan trọng.
Ông cũng là 1 trong 3 người được sang học tập kinh nghiệm của Trung Quốc về thông tin trong chiến tranh cục bộ. Đoàn công tác đã được tham quan và tìm hiểu Trung tâm thông tin của Bộ Chính trị Trung Quốc ở Trung Nam Hải và được Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đón tiếp đến thăm và tìm hiểu. Đoàn cũng đã đến thăm trung đoàn cơ động ở các quân khu Trung Quốc như Quân khu Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Các tỉnh đều đặt các trạm cơ vụ.
Người cán bộ bưu điện kỳ cựu còn kể nhiều nữa về những câu chuyện của “Ngành ta” như Ngành Bưu điện chịu trách nhiệm phát thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam, đài Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đài phát thanh Chính phủ Liên hiệp Lào, Đài phát thanh Campuchia, Đài Phát thanh Tiếng nói Thái Lan, Thông tấn xã Việt Nam, Thông tấn xã Lào, Campuchia, Hệ thống phát khí tượng, thông tin cho Bộ Ngoại giao, đi các nước kể cả Mỹ, Cu Ba... đều Bưu điện Việt Nam chịu trách nhiệm.
Tất cả những câu chuyện được ông Tăng Thanh Liêm kể gần như không quên một chi tiết, một tên tuổi cán bộ nào mà bác từng gặp, từng làm việc. Ông cho rằng đó là sự nỗ lực học hỏi để trí óc không ngừng vận động nhưng tôi tin rằng trong thẳm sâu đó là tình yêu, nghĩa tình đối với ngành Bưu điện, người Bưu điện mà cả cuộc đời ông đã gắn bó./.