Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Tại điểm cầu Bộ TT&TT, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì. Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Vũ Mạnh Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nghiêm Xuân Hưởng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo, trưởng các phòng, đơn vị của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, các ban, cơ quan thuộc Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH& HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh; Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh…
Dự tại điểm cầu các huyện, TP, xã, phường, thị trấn có lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương, các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể và công chức được giao phụ trách công nghệ thông tin, CĐS...
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng nhấn mạnh: CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. CĐS được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây tại các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm và đã vượt ra khỏi biên giới các quốc gia. Qua đó cho thấy CĐS có tầm quan trọng và là xu hướng tất yếu của xã hội loài người trong tương lai.
Xác định CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tỉnh, tháng 10/2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã quyết nghị nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong lĩnh vực phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới vào phục vụ phát triển KT-XH. Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ số nhằm xây dựng chính quyền điện tử.
Đặc biệt, ngày 11/6/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 111 về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu khơi dậy khát vọng, tạo nên sức mạnh tinh thần để bứt phá vươn lên. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về CĐS.
Nếu so với nhiều với địa phương khác, Bắc Giang chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh nhưng địa phương đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp… mang lại những kết quả tích cực. Các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan và các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư năm 2020, Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh, TP.
Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, CĐS vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo, còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Hội nghị lần này là cơ hội để các bộ, công chức, viên chức tìm hiểu, nâng cao nhận thức về CĐS một cách căn bản nhất.
Tại hội nghị, các chuyên gia thuộc Bộ TT&TT, Viện Khoa học Công nghệ Vinasa đã phổ biến kiến thức tổng quan về CĐS, một số kết quả chủ yếu và định hướng CĐS của tỉnh; các cấp độ của CĐS; yếu tố thành bại của CĐS.
Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh, các yếu tố chính quyết định CĐS thành công là con người, thể chế, công nghệ. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của CĐS.
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu, Chương trình CĐS quốc gia xác định 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của CĐS. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình CĐS.
CĐS không phải là chỉ đầu tư máy móc công nghệ mà cần quan tâm xây dựng thể chế thực hiện. Tỉnh cần có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm.
Tỉnh quan tâm đầu tư thích đáng cho CĐS, bảo đảm thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên nguyên tắc khoa học, hợp lý, hiệu quả. Tiếp tục giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của CĐS để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời; tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.