Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh qua các thời kỳ.
Ban Dân tộc (tiền thân là Ban Dân tộc và Miền núi) là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong hành trình 30 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn, đồng hành cùng sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN).
Với diện tích tự nhiên trên 3.800 km2 (chiếm gần ½ diện tích tự nhiên của toàn tỉnh) vùng ĐBDTTS và MN tỉnh ta hiện có 15 xã thuộc 5 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hoá và Minh Hoá. Dân số trên 45.000 người, trong đó ĐBDTTS gần 28.000 người với 18 tộc người. Nhờ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, sự đồng hành tích cực của Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, 15/15 xã vùng ĐBDTTS và MN đã có đường ô tô về tận trung tâm xã; có điện lưới quốc gia và năng lượng khác cùng điện thoại, mạng internet, sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động; hệ thống hạ tầng y tế, trường tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư khang trang… Cơ sở hạ tầng vùng ĐBDTTS và MN đã có những đổi thay vượt bậc.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của vùng ĐBDTTS và MN đã có sự chuyển dịch đúng hướng, nhiều hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Một số tộc người đặc biệt khó khăn như: Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng… đã từng bước phát triển, hoà nhập cộng đồng. Nhận thức được nâng cao, đời sống văn hóa có nhiều thay đổi, các hủ tục lạc hậu được loại bỏ, các lễ hội văn hoá được bảo tồn và phát huy, tô đậm thêm bản sắc của đồng bào.
Tại buổi lễ, đại diện các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc tỉnh đã phát biểu ôn lại những kỷ niệm, bài học kinh nghiệm trong công tác dân tộc và miền núi, có các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống ĐBDTTS và MN tỉnh nhà.
Phát biểu chúc mừng tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp quan trọng của Ban Dân tộc tỉnh. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là các chương trình, dự án có tác động và lan tỏa sâu sắc trong đời sống, sản xuất của ĐBDTTS và MN trên địa bàn tỉnh, 30 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về đời sống ĐBDTTS và MN. Đến nay, ĐBDTTS và MN đã từng bước hoà nhịp với nền kinh tế thị trường, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, đời sống văn hoá có nhiều đổi thay to lớn.
Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục để không ngừng nâng cao đời sống ĐBDTTS và MN.
Đồng chí nhấn mạnh: Ban Dân tộc cần phát huy các thành tích đã đạt được, tập trung, quyết tâm, nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu và mong đợi của ĐBDTTS và MN, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.