Mới đây, Hội nghị trực tuyến "Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp" được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu những lợi ích và lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam trong quá trình tiếp tục hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh tích hợp 50% DVC lên Cổng DVCQG
Thứ ba, 22/09/2020 11:10
Là địa phương đầu tiên thí điểm kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, TP. Hồ Chí Minh đã đạt những kết quả bước đầu trong triển khai số hóa dịch vụ công (DVC).
Kết quả bước đầu trong triển khai số hóa dịch vụ công
Tại Hội nghị, ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 11/2019, TP Hồ Chí Minh đã kết nối Cổng DVC TP Hồ Chí Minh (xây dựng từ năm 2015) với Cổng DVCQG 3 DVC, gồm thông báo hoạt động khuyến mại; liên thông nhóm thủ tục đăng ký kinh doanh với đăng ký thuế; cấp đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp.
Điểm nổi bật là hệ thống đánh giá gắn liền với quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo từng hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), bao gồm hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân, DN và hệ thống đánh giá nội bộ. Đến ngày 10/6/2020, Thành phố đã kết nối 26 DVC trên Cổng DVCQG thuộc lĩnh vực quản lý, giải quyết của 20 đơn vị.
Tính đến hết quý I/2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận qua hệ thống là 7.168 hồ sơ, trong đó có 4.180 hồ sơ trực tuyến, chiếm 58%. Tiếp nhận phản ánh xử lý trên Cổng DVCQG, Thành phố đã tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ ở 3 cấp, tạo 796 tài khoản để đăng nhập và chính thức sử dụng hệ thống từ ngày 29/4/2020. Kết quả đã tiếp nhận 44 phản ánh, kiến nghị và đang được cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố cho biết, việc kết nối với hệ thống Cổng DVCQG đã tạo sự thông suốt, đồng bộ, chia sẻ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận nộp hồ sơ, theo dõi tình hình kết quả giải quyết…
Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Hà Phước Thắng vẫn còn một số vướng mắc khi giải quyết Cổng DVC và hệ thống thông tin điện tử phải xây dựng tập trung, thống nhất, dễ tiếp cận để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp DVC trực tuyến và đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, tránh chồng chéo và lãng phí. Đó là khó khăn phát sinh từ thể chế, chi phí, thủ tục xây dựng DVC, hệ thống một cửa điện tử… ảnh hưởng đến tiến độ mở rộng cung cấp các DVC theo kế hoạch.
Ông Hà Phước Thắng cũng cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Thành phố đặt mục tiêu tích hợp 50% DVC lên Cổng DVC trực tuyến quốc gia, tương đương 322 DVC.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính
Trước đó, theo UBND TP. Hồ Chí Minh, thực hiện mục tiêu cải cách hành chính (CCHC) năm 2020, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng áp dụng các mô hình, sáng kiến, cách làm hay, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính (CQHC) phục vụ người dân và DN. Công tác kiểm tra về quy tắc ứng xử thường xuyên được thực hiện và kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót.
Cụ thể, tính đến ngày 28/2, TP Hồ Chí Minh đã ban hành 16 quyết định phê duyệt, 557 quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của 3 cấp trên địa bàn Thành phố. Tính đến tháng 3/2020, tổng số DVC trực tuyến là 668/1.786 TTHC; trong đó, mức độ 3 là 433/1.786 TTHC và mức độ 4 là 235/1.786 TTHC.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy xây dựng và triển khai chính quyền điện tử từ Thành phố đến cơ sở; tổ chức triển khai xây dựng hạ tầng mạng CNTT và tăng cường an toàn thông tin cho hệ thống này nhằm phục vụ hoạt động hiệu quả của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, DN.
Cùng với đó, Thành phố triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu có các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại thành phố, và đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của thành phố với các hệ thống bên ngoài.
Từ khoá: