Một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh có thu nhập bình quân đầu người đạt 114,1 triệu đồng/người/năm

Thứ ba, 03/10/2023 03:25

Sau 12 năm, từ một huyện có xuất phát điểm thấp khi bước vào xây dựng nông thôn mới, hiện huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã đạt những thành tựu đáng kể. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở Vân Đồn đạt 114,1 triệu đồng/người/năm vào năm 2022.

a21.jpg

Xuất phát điểm thấp trong xây dựng nông thôn mới

Vân Đồn là huyện đảo nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, với 12 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 11 xã (trong đó có 5 xã đảo). Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, Vân Đồn chỉ đạt 2/19 tiêu chí nông thôn mới.

Cụ thể, thời điểm năm 2010, toàn huyện Vân Đồn có 10/12 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, còn 6 xã thuộc diện bãi ngang và 5 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. 

Ngoài ra, vào thời điểm năm 2010, Vân Đồn chưa có xã nào có quy hoạch sử dụng đất; chưa có quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh…

Trong giai đoạn này, hệ thống giao thông ở Vân Đồn được bê tông hóa, nhựa hóa còn ít, chất lượng thấp; việc đi lại của người dân các xã đảo gặp nhiều khó khăn do hệ thống bến tàu, bến cảng chưa được đầu tư. Cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa, hạ tầng thương mại hầu hết chưa đạt chuẩn theo quy định.

Cũng tại thời điểm bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt thấp, chỉ đạt 12,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo khu vực nông thôn còn cao, chiếm 20,94%. 

Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo thấp (47,6%), tỷ lệ mù chữ tại một số địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhận thức và khả năng tiếp cận Chương trình của người dân còn hạn chế, dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 114,1 triệu đồng/người/năm

Trước những thách thức ấy, huyện Vân Đồn đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân, phát huy tốt vai trò người dân là chủ thể của chương trình.

Qua 12 năm thực hiện hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã có điện chiếu sáng; trên 89,8% tổng số tuyến đường nông thôn đã được trồng cây xanh.

Thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm xây dựng Khu Kinh tế được đầu tư xây dựng như: Dự án Cảng hàng không Vân Đồn Quảng Ninh; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; cảng Ao Tiên… được xây dựng hoàn thiện, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế của huyện cơ hội phát triển, có bước tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua.

Hệ thống điện được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đặc biệt 5 xã đảo Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi cũng hoàn thiện hạ tầng điện lưới

Cơ sở vật chất của 33 trường học trên toàn huyện được đầu tư xây dựng hoàn thiện và khang trang hơn. Cơ sở vật chất văn hoá, các thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ tại 100% các xã, thôn.

Bên cạnh đó, Vân Đồn còn đầu tư xây dựng 1 chợ huyện và 9 chợ xã, đảm bảo tiêu chuẩn chợ hạng 2; có trên 240 cửa hàng tiện ích tại các xã, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa phục vụ sinh hoạt của người dân.

Hiện toàn huyện có 7/11 xã có hạ tầng khu dân cư mới, khu tái định cư được đầu tư đảm bảo nhu cầu đất ở của người dân, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Khu Kinh tế Vân Đồn. 100% hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, toàn huyện không còn nhà tạm và dột nát.

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, đến hết năm 2021, 11/11 xã của huyện Vân Đồn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, Vân Đồn không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 0,53% với 53 hộ. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên đạt 106,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2021 và đạt 114,1 triệu đồng/người/năm vào năm 2022.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, với mục tiêu xây dựng huyện Vân Đồn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Vân Đồn đã ban hành kế hoạch triển khai hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và chỉ đạo xây dựng hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao hoàn thành trong năm 2023.

Trên cơ sở Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, huyện đã và đang chỉ đạo giao các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đánh giá kết quả; đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện các nội dung chỉ tiêu chưa đạt chuẩn; tham mưu đề xuất nguồn lực thực hiện để đạt chuẩn theo bộ tiêu chí.

Huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2021, được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 26/6/2023.

Theo danviet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top