Bên cạnh đó, việc quản lý dựa trên quan điểm cùng loại hình dịch vụ thì đều cần quản lý, quản lý bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới. “Quản lý nhẹ” để vừa thúc đẩy các dịch vụ mới phát triển, vừa bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh.
Bên cạnh đó, kế thừa Luật Viễn thông năm 2009, Luật năm 2023 duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích tại Việt Nam. Tuy nhiên, có bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động viễn thông công ích; quy định về phương thức thực hiện hoạt động viễn thông công ích; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện hoạt động viễn thông công ích, trong đó có cơ chế tài chính, mức đóng góp tối đa, đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ, thời hạn hỗ trợ, bảo đảm tính ổn định, liên tục trong việc cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và việc quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ. Quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý hoạt động viễn thông công ích.
Luật Viễn thông năm 2009 đã quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet nhưng chưa thực hiện được. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, “nguyên nhân chủ yếu do khó xác định được đầy đủ các loại mã, số viễn thông thực hiện đấu giá và khó xác định giá khởi điểm để đấu giá. Khắc phục vướng mắc này, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự. Luật cũng quy định rõ việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet”.
Luật cũng bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật, bổ sung quy định nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết thêm, trước đây pháp luật không có quy định về trách nhiệm của nhà mạng cũng như người dân trong quản lý thông tin thuê bao. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã tiến hành các biện pháp kiểm soát việc đăng ký thuê bao mới phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, sau đó lại nảy sinh tình trạng người dân được các đại lý thuê đi đăng ký thông tin thuê bao, các đại lý sẽ bán lại các sim này dưới dạng sim đã đăng ký.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nói, “qua đối soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì hoàn toàn đúng, không có gì sai, chỉ có điều, không phải là người đăng ký thông tin thuê bao sử dụng, mà đang lạm dụng, đây cũng là nguyên nhân khiến sim rác vẫn tràn lan và cần thêm thời gian để xử lý”.
Trước tình hình trên, luật đã quy định thêm trách nhiệm của người dân, Thứ trưởng nhấn mạnh, người dân không sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác, trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký. Nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm hành chính.
Luật Viễn thông có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024, để bảo đảm các nội dung của luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật; ban hành kế hoạch triển khai luật và tổ chức quán triệt, phổ biến Luật Viễn thông năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.