Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đã đạt những kết quả khả quan, bước đầu mang đến những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh Lào Cai có 1.761 trong số 1.966 thủ tục hành chính (đạt 89,5%) cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công; 75,5% dịch vụ công trình lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các cấp tỉnh, huyện, xã đều chú trọng triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; xây dựng chính quyền số, như: Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Lào Cai đang duy trì 1 Cổng chính (Cổng TTĐT tỉnh) và 102 cổng thành viên của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã… Lào Cai là một trong số ít tỉnh của cả nước đã kết nối được hệ thống truyền hình trực tuyến triển khai Nghị quyết từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Tỉnh còn đạt được rất nhiều kết quả khả quan khác trong quá trình thực hiện chuyển đối số. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn đối diện với một số khó khăn.
Nhận định rõ tầm quan trọng của chuyển đối số trong phát triển nông nghiệp, nông nghiệp là một trong 11 lĩnh vực được tỉnh Lào Cai ưu tiên chuyển đổi số.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: Khuyến khích, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bước đầu xây dựng các hệ thống dữ liệu, thiết lập các hệ thống về các vấn đề: theo dõi diễn biến rừng, phòng chống thiên tai, đất đai, cây trồng, vật nuôi,… giúp người nông dân nâng cao năng suất, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, hiện trên địa bàn tỉnh 100% các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 220 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân với trên 400 sản phẩm tham hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại; 105 doanh nghiệp/ hợp tác xã của tỉnh với 329 dòng sản phẩm được minh bạch thông tin, rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Trần Tuấn Nghĩa, Hợp tác xã hoa quả Thắng Lợi, thị xã Sa Pa, cho biết, từ năm 2020 đơn vị đã áp dụng công nghệ tự động trong quy trình trồng dâu tây. Sau khi áp dụng hệ thống tưới tự động thông minh, thời gian tưới vườn được thực hiện chính xác hơn, giúp cây phát triển, năng suất cao hơn.
Qua chương trình chuyển đổi số, sản phẩm nông nghiệp có giá trị của đồng bào Bắc Hà như hoa mận Tả Van Chư, chè cổ thụ Hoàng Thu Phố, nước tắm của người Dao đỏ Sa Pa,.… đã được nhiều người biết đến.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai sử dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng Hotpot LCA giúp xác định nhanh điểm cháy và hiện trạng khu vực cháy để có phương án xử lý kịp thời và phù hợp. Chỉ trong quý II/2024 đã phát hiện hơn 200 điểm cháy tập trung ở một số huyện; 62 trạm đo mưa tự động chuyên dùng với chế độ quan trắc; Hệ thống 03 trạm dự báo thời tiết, nhiệt độ đạt độ chính xác đến 80-90%;…
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Để nhanh chóng hoàn thành chuyển đổi số nông nghiệp, tỉnh Lào Cai ưu tiên triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh.
Theo đó, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đề ra các mục tiêu xây dựng Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số với 05 giải pháp nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích người dân chủ động thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chuyển đổi số nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến trình chung. Trong đó phải kể đến tình trạng cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn còn kém chất lượng, quy mô ứng dụng chuyển đổi số cần được mở rộng. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số.
Vì vậy, để thực hiện thành công bài toán chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai một số giải pháp đó là: (1) Nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; (2) Xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ với chi phí cạnh tranh; (3) Sớm phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; (4) Nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; (5) Xây dựng, hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm./.