Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Thứ tư, 15/01/2025 16:55

Sáng ngày 15/01/2025, tại Hà Nội, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI do Bộ TT&TT tổ chức với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Diễn đàn

Tham dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ, Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; đại diện các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông, đại diện các tổ chức kinh tế - thương mại, nghiên cứu, đào tạo; đại diện các tổ chức ngoại giao; đại diện các Hội/Hiệp hội, các tập đoàn công nghệ số đa quốc gia…

Make in Viet Nam là tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của công nghệ số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc giải quyết các vấn đề, các bài toán của Việt Nam, đó là tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu.

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Diễn đàn

Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của chiến lược Make in Viet Nam trong hành trình phát triển công nghệ số Việt Nam. Make in Viet Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Make in Viet Nam là một tinh thần. Tinh thần tự cường. Tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ. Từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng, mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh.

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Bộ trưởng cho biết, sau 5 năm thực hiện Make in Viet Nam, giá trị Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ $ của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Với hơn 74.000 doanh nghiệp công nghệ số, Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/đầu dân cao nhất trong các nước đang phát triển.

Việt Nam đặt ra mục tiêu rất cao: Giá trị Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ số sẽ đạt trên 50% vào năm 2030, mục tiêu cao này là nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyên đổi số (CĐS) quốc gia đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Theo đó, chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, vào thiết kế, vào sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, vào các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách KHCN, ĐMST và CĐS để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược. Chúng ta làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình CĐS Việt Nam. Chỉ như vậy thì Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Nghị quyết 57 là nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết Khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm nhưng lần này là cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Từ chỗ thiếu KHCN, ĐMST và CĐS, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về KHCN, ĐMST và CĐS, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.

Bộ trưởng chỉ rõ, Nghị quyết Khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết Khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả Nghị quyết Khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 4.

Quang cảnh phiên khai mạc Diễn đàn

Bộ trưởng nhấn mạnh, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2024 đã đạt 11,5 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ trên 30%/năm. Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2035, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Đây thực sự là mục tiêu rất cao, rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Nhưng nếu không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về KHCN, ĐMST và CĐS, như Nghị quyết 57 đã giao cho chúng ta.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân tài trong phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox, chấp nhận rủi ro.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 5.

Vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong nhận nhiệm vụ tiến vào kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với khu vực và thế giới. Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Big data, Cloud, IoT, chúng ta có thể phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy ĐMST để xây dựng nền kinh tế tự chủ, bền vững.

Tổng Bí thư bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam với doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số ngày càng lớn mạnh, với hơn 74.000 doanh nghiệp, trong đó gần 1.900 doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế, đóng góp doanh thu 11,5 tỷ USD. Tổng Bí thư cũng ghi nhận nỗ lực của Bộ TT&TT trong phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về công nghiệp công nghệ số. Các chính sách, chương trình của Bộ không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 6.

Vinh danh các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 7.

Vinh danh các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Tổng Bí thư cũng chỉ ra các thách thức, hạn chế cần khắc phục như: Năng lực nghiên cứu và phát triển vẫn còn phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài, khả năng thu hút nhân lực chất lượng cao chưa đủ mạnh. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việ Nam còn thấp, mới chỉ tham gia ở mức khiêm tốn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ đó, Tổng Bí thư đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể là:

Tiếp tục nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Đây là nền tảng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đặc biệt là ngành công nghiệp công nghệ số; Đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, phát triển các công nghệ chiến lược như AI, Big data, Blockchain, 5G, 6G, điện toán đám mây, công nghệ vũ trụ, không gian. Tập trung làm chủ các công nghệ tiên tiến để tạo ra sự tự chủ về công nghệ; Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số; Xây dựng chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; Xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững; Phát triển kinh tế số, xã hội số; Nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu phát triển công nghệ số. Đồng thời, có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư mang tính chiến lược và các nhiệm vụ Tổng Bí thư giao là kim chỉ nam cho tất cả chúng ta. Bộ trưởng hứa với Tổng Bí thư ngay trong năm 2025, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có sự phát triển bứt phá về tổng doanh thu, đặc biệt sẽ tăng tỉ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp và tăng cường tự chủ công nghệ.

Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Ảnh 8.

Vinh danh các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam

*Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc Dohyun Kang đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách về trí tuệ nhân tạo và công nghệ số của Hàn Quốc.

Đại diện các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có các bài tham luận quan trọng, gồm: Quá trình làm chủ sản phẩm công nghệ số của Viettel; Hành trình ra thế giới của FPT…

Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam gồm: Viettel, FPT, VNPT, CMC, Vietjet, MISA đã xung phong nhận các nhiệm vụ làm chủ công nghệ số chiến lược.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ TT&TT đã công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu năm 2024.

Buổi chiều cùng ngày, diễn ra hai Phiên tham luận chuyên đề chuyên sâu tập trung vào hai chủ đề: Công nghiệp bán dẫn Việt Nam C = SET + 1, động lực và nền tảng phát triển đất nước; Phát triển ứng dụng AI để thúc đẩy phát triển đất nước.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng tổ chức khu trưng bày triển lãm gồm gần 40 gian hàng để đại biểu tham dự có thể tham quan, trải nghiệm trực quan các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top