Thực hiện Quyết định thanh tra số 806/QĐ-CXBIPH ngày 23/8/2022 của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành về việc thanh tra Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa, từ ngày 05/9/2022 đến ngày 16/9/2022, Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản, in, phát hành của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa (sau đây viết tắt là “Nhà xuất bản Thanh Hóa”), thời kỳ thanh tra từ tháng 01 năm 2021 đến 31/7/2022.
I. KHÁI QUÁT CHUNG
1. Nhà xuất bản Thanh Hóa trực thuộc cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước). Tổng số lao động hiện có 12 người, gồm 03 phòng: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Biên tập; Phòng Kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Chức danh theo quy định của pháp luật về xuất bản: Chủ tịch Công ty kiêm Giám đốc: 01 người; Tổng Biên tập kiêm Phó Giám đốc: 01 người; Biên tập viên: 06 người. Từ ngày 01/07/2021, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa nghỉ chế độ theo quy định.
2. Trong thời kỳ thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa báo cáo về doanh thu năm 2021 là 6,625 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 258 triệu đồng; nộp ngân sách 139 triệu đồng; thu nhập bình quân năm 2021 là 5,4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu 06 tháng đầu năm 2022 là 1,477 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 290 triệu đồng; nộp ngân sách 62 triệu đồng; thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 4,6 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Nhà xuất bản Thanh Hóa được cơ quan chủ quản đặt hàng khoảng 2 tỷ đồng để tổ chức bản thảo, xuất bản một số xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhà xuất bản Thanh Hóa đã tích cực triển khai các hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa bàn cơ sở; tham gia các hoạt động xã hội như tặng sách cho học sinh và đồng bào dân tộc, miền núi và các chiến sĩ biên giới, hải đảo; tặng sách, vở cho học sinh một số địa phương miền Nam bị dịch Covid-19, đóng góp một số quỹ từ thiện.
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH
1. Về việc chấp hành quy định pháp luật đối với điều kiện hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản Thanh Hóa
a. Về Giấy phép/Quyết định thành lập:
- Giấy phép số 238/GP-BTTTT ngày 21/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa được thành lập Nhà xuất bản Thanh Hóa;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, mã số doanh nghiệp: 2800239312, đăng ký lần đầu ngày 18/4/2011, đăng ký thay đổi lần thứ 1, ngày 13/01/2014;
- Quyết định số 4516/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc Phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa;
b. Về trụ sở làm việc của nhà xuất bản:
Trụ sở Nhà xuất bản Thanh Hóa tại số 248 Trần Phú, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Diện tích sử dụng 253,4m2 (Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Ký hiệu BA791881, tại thửa đất số 183, bản đồ số 05; Diện tích 253,4m2. Thời hạn sử dụng đến 31/5/2060 (Theo Quyết định số 1858/QĐ-UBND ngày 31/5/2010 của UBND tỉnh).
c. Về nhân sự Lãnh đạo nhà xuất bản tại thời điểm thanh tra:
- Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 14/02/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Hoàng Văn Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa, giữ chức Chủ tịch Công ty kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực;
- Quyết định số 3019/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc bổ nhiệm lại ông Hoàng Văn Tú, giữ chức vụ Chủ tịch Công ty kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa, thời hạn bổ nhiệm lại là 5 năm, kể từ ngày 14/02/2020;
d. Về biên tập viên: Hiện tại Nhà xuất bản Thanh Hóa có 06 biên tập viên cơ hữu được Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp Chứng chỉ hành nghề theo quy định (có danh sách kèm theo).
đ. Về vốn hoạt động: Theo báo cáo của Nhà xuất bản Thanh hóa, số vốn điều lệ hiện có tính đến thời điểm ngày 31/12/2021: 1.174.212.771 đồng (báo cáo kết quả kiểm toán hàng năm đã được công bố). Theo báo cáo kết quả kinh doanh tính đến ngày 30/6/2022 số vốn của Nhà xuất bản Thanh Hóa, chỉ còn: 884.100.652 đồng.
Nhận xét: Trong thời kỳ thanh tra, mặc dù Nhà xuất bản Thanh Hóa đủ điều kiện hoạt theo quy định, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động như: Vốn điều lệ thấp; cơ sở vật chất làm việc xuống cấp trầm trọng; nhân sự thiếu; chức danh Tổng biên tập chưa bổ nhiệm.
2. Về thực hiện chế độ báo cáo của Nhà xuất bản Thanh Hóa
Trong thời kỳ thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa đã thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ gửi Cục Xuất bản, In và Phát hành, cụ thể gồm:
- Năm 2021: Báo cáo Quý I; Báo cáo Quý II; Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021; Báo cáo Quý III; Báo cáo Quý IV; Báo cáo năm 2021.
- Năm 2022: Báo cáo Quý I; Báo cáo Quý II; Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022.
Nhận xét: Nhà xuất bản Thanh Hóa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.
3. Về chấp hành quy định đối với việc thực hiện xuất bản xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Thanh Hóa
3.1. Về thực hiện đăng ký xuất bản, theo báo cáo của Nhà xuất bản Thanh Hóa:
a) Năm 2021: Số lượng xuất bản phẩm được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 524 tên xuất bản phẩm; Nhà xuất bản Thanh Hóa đã cấp quyết định xuất bản 315 xuất bản phẩm; nộp lưu chiểu 235 xuất bản phẩm.
b) Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/7/2022: Số lượng xuất bản phẩm được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 379 tên xuất bản phẩm; Nhà xuất bản Thanh Hóa đã cấp quyết định xuất bản 168 xuất bản phẩm; nộp lưu chiểu 135 xuất bản phẩm.
c) Kết quả kiểm tra hồ sơ, tài liệu và thực tế, ghi nhận:
- Năm 2021: Số lượng xuất bản phẩm được xác nhận đăng ký xuất bản nhưng không thực hiện xuất bản là 209 tên xuất bản phẩm. Số lượng xuất bản phẩm do Nhà xuất bản Thanh Hóa tự tổ chức xuất bản 65/315 xuất bản phẩm, chiếm tỷ lệ 21% trên tổng số xuất bản phẩm đã xuất bản.
- Thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/7/2022: Số lượng xuất bản phẩm do Nhà xuất bản thanh Hóa tự tổ chức xuất bản là 35/168 xuất bản phẩm, chiếm tỷ lệ 21% trên tổng số xuất bản phẩm đã xuất bản.
- Đoàn Thanh tra đã lựa chọn xác suất 25/483 xuất bản phẩm trong thời kỳ thanh tra để kiểm tra và yêu cầu Nhà xuất bản xuất Thanh Hóa xuất trình các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc xuất bản của từng xuất bản phẩm, bao gồm: Xuất bản phẩm mẫu, Quyết định xuất bản, Hợp đồng liên kết xuất bản, Giấy chấp thuận về bản quyền, Phiếu biên tập bản thảo, Bản thảo, Hợp đồng in, Quyết định phát hành, Tờ khai lưu chiểu (kết quả kiểm tra tại Phụ lục kèm theo).
Nhận xét: Nhà xuất bản Thanh Hóa thực hiện đầy đủ quy trình đăng ký xuất bản; thực hiện đúng xác nhận đăng ký xuất bản. Hồ sơ 25 xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Thanh Hóa cung cấp đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, có 02/25 xuất bản phẩm thời hạn ra Quyết định phát hành chưa đủ thời gian theo quy định (số 6, 11 tại Phụ lục); tỷ lệ xuất bản phẩm đăng ký nhưng không thực hiện còn cao.
3.2. Về liên kết xuất bản: Theo báo cáo và kiểm tra tại Danh mục do Nhà xuất bản Thanh Hóa cung cấp (Danh mục tại Phụ lục kèm theo) tỷ lệ xuất bản phẩm liên kết chiếm khoảng 80% trong tổng số xuất bản phẩm thực hiện tại thời kỳ thanh tra.
Nhận xét: Trong điều kiện khó khăn về tài chính, Nhà xuất bản Thanh Hóa đã chủ động mở rộng hoạt động liên kết với các đối tác trong và ngoài tỉnh để thu hút nguồn lực, đảm bảo hoạt động của Nhà xuất bản. Qua kết quả kiểm tra xác suất 25 xuất bản, ghi nhận các xuất bản phẩm do Nhà xuất bản Thanh Hóa thực hiện liên kết xuất bản đảm bảo đúng các quy định pháp luật về xuất bản.
3.3. Trong thời kỳ thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa không có xuất bản phẩm phải thực hiện việc sửa chữa, đình chỉ phát hành, thu hồi xuất bản phẩm do nhà xuất bản thực hiện hoặc do cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
4.Về điều kiện hoạt động phát hành xuất bản phẩm
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Thanh Hóa, trong thời kỳ thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa không thành lập cơ sở phát hành để thực hiện hoạt động phát hành xuất bản phẩm.
5. Về điều kiện hoạt động in xuất bản phẩm
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Thanh Hóa trong thời kỳ thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa không thành lập cơ sở in để thực hiện hoạt động in xuất bản phẩm.
6. Về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Thanh Hóa trong thời kỳ thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa không thực hiện xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
7. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Thanh Hóa trong thời kỳ thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa không có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tranh chấp liên quan đến hoạt động xuất bản.
III. KẾT LUẬN
1. Về ưu điểm
a) Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khó khăn do điều kiện thiếu nguồn lực nhưng lãnh đạo và người lao động của Nhà xuất bản Thanh Hóa đã đoàn kết, nỗ lực từng bước vượt qua khó khăn, bảo đảm sự ổn định và thu nhập cho người lao động, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Cơ quan chủ quản, góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa bàn, đưa thương hiệu của Nhà xuất bản Thanh Hóa đến với bạn đọc ngoài tỉnh.
b) Nhà xuất bản Thanh Hóa nghiêm túc chấp hành Quyết định thanh tra số 806/QĐ-CXBIPH ngày 23/8/2022 của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; có tinh thần hợp tác, thái độ tích cực trong suốt quá trình thanh tra; cung cấp đầy đủ, hồ sơ, tài liệu; nghiêm túc báo cáo giải trình theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra.
2. Tồn tại, thiếu sót
2.1. Trụ sở của Nhà xuất bản Thanh Hóa đảm bảo diện tích sử dụng theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản, nhưng cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo yêu cầu về an toàn trong làm việc.
Theo báo cáo giải trình của Nhà xuất bản Thanh Hóa: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương bố trí cho Nhà xuất bản Thanh Hóa chuyển sang địa điểm mới:
- Kết luận số 799-KL/TƯ ngày 04/5/2022 của Ban Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa về phương án bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị cần di chuyển để thực hiện đầu tư xây dựng Khu vực Hồ Thành theo quy định;
- Công văn số 6223/UBND-CN ngày 06/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc giao tham mưu triển khai thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị cần di chuyển để thực hiện đầu tư xây dựng Khu vực Hồ Thành theo quy định;
- Công văn số 9619/UBND-KTTC ngày 04/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tạm giao cơ sở nhà, đất trụ sở làm việc (cũ) của Sở Ngoại vụ cho Nhà xuất bản Thanh Hóa quản lý, sử dụng;
2.2. Về vốn điều lệ của Nhà xuất bản Thanh Hóa: Số vốn điều lệ quá thấp, chưa đủ điều kiện để hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV). Thực tế cho thấy loại hình hoạt động của Nhà xuất bản Thanh Hóa hiện tại chưa phù hợp với quy mô, điều kiện, nhân lực của một nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương (vốn điều lệ hiện tại có: 884.100.652 đồng; nhân lực tổng số có 12 người, chưa đủ nguồn lực để bổ nhiệm lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng).
Theo báo cáo giải trình của Nhà xuất bản Thanh Hóa: Nguồn vốn điều lệ của Nhà xuất bản từ khi chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp chưa được cơ quan chủ quản bổ sung, do sự bất cập giữa Luật chuyên ngành với Luật Doanh nghiệp, để giải quyết bước đầu hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đặt hàng Nhà xuất bản Thanh Hóa khoảng 2 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương và giao cho Nhà xuất bản Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng Đề án chuyển đổi Nhà xuất bản sang loại hình Đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy việc tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự tạm dừng để chờ chuyển sang loại hình hoạt động mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này hiện có sự vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền:
- Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 02/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Kế hoạch số 102-KH-TU ngày 23/7/2018 của Tỉnh ủy Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;
- Kế hoạch số 165-KH-UBND ngày 12/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 102-KH/TƯ ngày 23/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Tờ trình số 958/TTr-STTTT ngày 25/11/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa sang tổ chức hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập gửi chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa;
- Tờ trình số 1813/TTr-STTTT ngày 12/10/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa sang tổ chức hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập gửi chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa;
- Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa sang tổ chức và hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập.
2.3. Về chức danh Tổng Biên tập: Từ ngày 01/07/2021 đến thời điểm kết thúc thanh tra, Nhà xuất bản Thanh Hóa chưa được cơ quan chủ quản bổ sung chức danh Tổng biên tập theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Xuất bản.
Theo báo cáo giải trình của Nhà xuất bản Thanh Hóa: Cơ quan chủ quản nhà xuất bản đã làm thủ tục gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về xuất bản. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo Nhà xuất bản Thanh Hóa và các cơ quan chức năng tiến hành sửa đổi Điều lệ hoạt động:
- Công văn số 366/UBND-THKH ngày 07/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc đồng ý chủ trương thực hiện quy trình bổ nhiệm chức danh Tổng Biên tập Công ty THHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa từ nguồn nhân sự ngoài Công ty;
- Công văn số 367/UBND-THKH ngày 07/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc xin ý kiến về chủ trương giao kiêm nhiệm chức danh Tổng Biên tập Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa trong thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm chức danh Tổng Biên tập Công ty;
- Công văn số 128/SNV-TCBC ngày 18/01/2022 của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa về việc giới thiệu nhân sự đề xuất bổ nhiệm chức danh Tổng Biên tập Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa;
- Công văn số 3198B-CV/BTGTW ngày 24/6/2022 của Ban Tuyên giáo về việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa;
- Công văn số 2865/BTTTT-CXBIPH ngày 18/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chấp thuận bổ nhiệm chức danh Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa (chấp thuận chủ trương);
- Công văn số 2990/BTTTT-CXBIPH ngày 26/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa (chấp thuận hiệp y).
2.4. Nhà xuất bản Thanh Hóa cấp Quyết định phát hành 02 xuất bản phẩm chưa đủ thời gian theo quy định: “Văn học cổ điển chọn lọc: Tâm hồn cao thượng (TB)”, ISBN: 978-604-74-5026-8; “Thanh Hóa xưa và nay: Tập 22 - Kỷ niệm 10 năm thành lập nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2011-2021)”, ISBN: 978-604-74-5167-8. Đây là sai sót của Nhà xuất bản Thanh Hóa trong việc thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điểm h, Khoản 1 Điều 18 Luật Xuất bản.
2.5. Việc xây dựng kế hoạch đề tài đăng ký và thực hiện xuất bản chưa phù hợp. 209 xuất bản phẩm không thực hiện theo xác nhận đăng ký xuất bản (Danh mục Nhà xuất bản Thanh Hóa cung cấp kèm theo).
Nhà xuất bản Thanh Hóa báo cáo, giải trình: Do tình hình Covid-19 việc triển khai không thực hiện. Trong đó có một số xuất bản phẩm chuyển sang kế hoạch năm 2022.
2.6. Việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ xuất bản của từng xuất bản phẩm chưa khoa học, phân tán, khó quản lý.
Theo báo cáo giải trình của Nhà xuất bản Thanh Hóa: Do điều kiện cơ sở vật chất của Nhà xuất bản xuống cấp, mưa dột vì vậy khâu lưu trữ, bảo quản phải giao cho từng bộ phận đảm nhiệm, ảnh hưởng đến việc theo dõi, tổng hợp chung.
IV. KIẾN NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
Căn cứ quy định tại Điều 16 Luật Xuất bản 2012 quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, đề nghị:
1.1. Kiện toàn tổ chức, loại hình hoạt động của Nhà xuất bản Thanh Hóa phù hợp với yêu cầu, điều kiện hoạt động của Nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương theo Thông báo số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
1.2. Hoàn thiện quy trình bổ nhiệm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa để đảm bảo điều kiện hoạt động của Nhà xuất bản Thanh Hóa theo quy định tại Điều 13 Luật Xuất bản 2012.
2. Đối với Nhà xuất bản Thanh Hóa
2.1. Yêu cầu Nhà xuất bản Thanh Hóa rà soát lại quy trình xuất bản, rút kinh nghiệm trong việc cấp Quyết định phát hành bảo đảm đủ thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xuất bản, không để xảy ra trường hợp tương tự như 02 xuất bản phẩm: “Văn học cổ điển chọn lọc: Tâm hồn cao thượng (TB)”, ISBN: 978-604-74-5026-8; “Thanh Hóa xưa và nay: Tập 22 - Kỷ niệm 10 năm thành lập nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2011-2021)”, ISBN: 978-604-74-5167-8.
2.2. Nghiêm túc chấn chỉnh quy trình lưu trữ, bảo quản hồ sơ; chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đề tài và tổ chức thực hiện; sớm kiện toàn bộ máy tổ chức lãnh đạo cấp phòng để nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Nhà xuất bản Thanh Hóa.
Kết luận này gồm 11 (mười một) trang, bao gồm 01 phụ lục./.