Hướng dẫn người dân sử dụng smarphone
Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập mạng Internet toàn cầu vào ngày 19/11/1997, Internet đã trải qua ba thập kỷ phát triển mạnh mẽ, trở thành hạ tầng cốt lõi cho chuyển đổi số quốc gia. Thời kỳ đầu, hạ tầng Internet tại Việt Nam chỉ có tốc độ 64 Kb/s, kết nối quốc tế giới hạn qua Hoa Kỳ và Australia, phục vụ khoảng 300 người dùng. Dịch vụ dial-up thời đó chỉ cho phép truy cập mạng khi đường dây điện thoại bị tạm ngắt, khiến việc sử dụng Internet gặp nhiều bất tiện.
Tuy nhiên, với những thay đổi trong chính sách và nhu cầu hội nhập quốc tế, Internet tại Việt Nam đã có những bước nhảy vọt. Năm 1997, chỉ hơn 200.000 người Việt sử dụng Internet. Đến năm 2007, con số này đã tăng lên gần 20 triệu người, chiếm khoảng 24% dân số. Tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số, với thời gian sử dụng trung bình gần 7 giờ mỗi ngày.
Hiện nay, Internet không chỉ phổ biến mà còn đạt chất lượng cao. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 88,7% thuê bao di động sử dụng smartphone, 82,3% hộ gia đình có kết nối Internet cáp quang băng rộng và mạng 4G phủ sóng 99,8% lãnh thổ. Việt Nam cũng đã chuyển đổi thành công sang giao thức Internet thế hệ 6 (IPv6), đạt tỷ lệ 60%, nằm trong nhóm 10 quốc gia dẫn đầu toàn cầu.
Theo mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, 100% hộ gia đình tại Việt Nam sẽ có kết nối băng rộng cố định, với 90% người dùng truy cập Internet cố định tốc độ trung bình 200 Mb/s. Đến năm 2030, 100% người dùng sẽ truy cập Internet với tốc độ trên 1Gb/s, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc và chi phí sử dụng dịch vụ Internet sẽ giảm mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cho rằng chỉ có áp dụng công nghệ mới có thể giải quyết các vấn đề phát sinh từ chính công nghệ. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cần đảm bảo môi trường mạng mở, an toàn và ổn định, từ đó xây dựng niềm tin số cho người dùng.
Để đối phó với các nguy cơ, ngày 9/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/NĐ-CP/2024 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2025, bổ sung các quy định về xác thực, chặn lọc thông tin và bảo vệ người dùng. Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, các quy định mới sẽ giúp tạo ra môi trường mạng lành mạnh, giảm thiểu yếu tố "ảo" và tăng tính minh bạch.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn mạng, các cơ quan chức năng kỳ vọng giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng, đồng thời ứng dụng công nghệ mới để quản lý và phát triển hạ tầng Internet hiệu quả hơn.
Internet Việt Nam, sau ba thập kỷ phát triển thần tốc, đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng. Với các chính sách và định hướng đúng đắn, Việt Nam không chỉ xây dựng được một hệ sinh thái Internet mạnh mẽ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên số.