Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh; các doanh nghiệp công nghệ số cùng đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số là chiến lược lâu dài
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Phú Thọ năm 2024 của Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang khẳng định: Xác định chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, tạo ra động lực tăng trưởng mới góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh; trong những năm qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực triển khai chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với phương châm chính quyền số đi đầu dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Trong khuôn khổ của hội thảo, UBND tỉnh mong muốn các diễn giả và các doanh nghiệp chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm hay; các giải pháp, định hướng đối với phát triển kinh tế số, xã hội số tại tỉnh Phú Thọ, nhất là các vấn đề: Phát triển hạ tầng số; xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết hợp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; bảo đảm an ninh thông tin, an toàn cơ sở dữ liệu khi chia sẻ; phát triển nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tiếp thu, nghiên cứu các giải pháp do các diễn giả, doanh nghiệp cung cấp; tham mưu với UBND tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục đồng hành với tỉnh Phú Thọ trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số; chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tư vấn các giải pháp số phù hợp nhằm đổi mới mô hình quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Nhấn mạnh mục đích của hội thảo nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Tường khẳng định: Hội thảo giúp người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và được tiếp cận, trải nghiệm các nền tảng số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ xúc tiến hơn nữa các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số một cách thiết thực, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Tại hội thảo, trên cơ sở phân tích điều kiện thực tế, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn chia sẻ về những định hướng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số tỉnh Phú Thọ và khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ để Phú Thọ thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Không gian chia sẻ, trao đổi, trải nghiệm sản phẩm số
Năm 2023, Phú Thọ vươn lên "bứt phá" trong công tác xây dựng chính quyền số, cụ thể: Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX tỉnh Phú Thọ xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; trong đó chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được đánh giá cải thiện tích cực so với các năm trước. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023 của tỉnh Phú Thọ xếp thứ 10 trong nhóm 30 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất; đứng thứ 2 vùng Trung du và miền núi phía Bắc (sau tỉnh Bắc Giang).
Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch phát triển năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển hạ tầng Internet, thanh toán số và nền tảng số đạt kết quả tích cực.
Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số đạt 12,5%, đứng thứ 10 cả nước. Tính đến tháng 10/2024, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,7%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ lao động kinh tế số đạt 4,9%, tăng 0,7% so với năm 2023; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản có tài khoản thanh toán điện tử 73,9%, tăng 6,7% so với năm 2023; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 87,5%, tăng 3,43% so với năm 2023; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng ước đạt 76,77%, tăng 4,83% so với năm 2023. Những con số trên cho thấy sự tiến bộ trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp.
Việc tổ chức, thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân, 979 nghìn tài khoản định danh điện tử; hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với 1.183.176 dữ liệu, góp phần đẩy mạnh khai thác cá tiện ích từ Đề án 06 và đăng nhập giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến. 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, VNeID; 70% bệnh nhân sử dụng căn cước công dân, VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu học phí tại các cơ sở giáo dục, chi trả lương hưu, chế độ chính sách đối với người có công.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp chuyên về các nền tảng, công nghệ số đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, nền tảng chuyển đổi số, giải pháp công nghệ số; tham luận đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số đồng thời trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến nội dung này. Qua đó, tạo ra một không gian trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm thực tế cho các doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ.