Tại Hội nghị, Văn phòng Bộ TT&TT đã báo cáo nhanh một số kết quả hoạt động của Bộ trong tháng 9/2024; đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành trình bày tham luận về "Chuyển đổi số để kiểm soát rủi ro, bài học từ Person Group".
Số liệu tổng quan ngành TT&TT trong 09 tháng đầu năm 2024:
- Doanh thu ước đạt 3.241.499 tỷ đồng, tăng 23,06% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 76,4% so với kế hoạch năm (4.245.382 tỷ đồng).
- Lợi nhuận ước đạt 235.775 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 81% so với kế hoạch năm (290.745 tỷ đồng).
- Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 93.161 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 92,12% so với kế hoạch năm (101.126 tỷ đồng).
- Tổng số lao động tính đến tháng 09/2024 ước khoảng 1.544.221 lao động, tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh nghiệm quốc tế từ Phần Lan
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm từ chuyến công tác tại Phần Lan của Đoàn công tác Bộ TT&TT, từ ngày 23- 25/9 vừa qua. Trong chuyến đi này, Đoàn đã có các buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm, lãnh đạo thành phố Helsinki, cũng như các doanh nghiệp và trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực TT&TT của Phần Lan.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực TT&TT hai nước Việt Nam - Phần Lan gặp gỡ, trao đổi về các định hướng, ưu tiên thúc đẩy hợp tác song phương. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh Phần Lan là quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và khởi nghiệp, nổi bật với đổi mới sáng tạo theo phương châm R&D&I (Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới) và dành nhiều ngân sách cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.
Quốc gia này hiện đang là "điểm nóng" của các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tại đây, giảng viên và sinh viên có thể bắt đầu khởi nghiệp ngay từ trong các trường đại học với nguồn vốn nhỏ, sau đó dần dần mở rộng và phát triển, lan toả tới cộng đồng. Rất nhiều các dự án đã được hiện thực hoá, mang lại nhiều giá trị kinh tế lẫn lợi ích cho người dân khi được đưa vào cuộc sống.
Đối với lĩnh vực viễn thông, Phần Lan đang hướng tới mục tiêu thử nghiệm mạng 6G vào năm 2028, với điểm nổi bật là ứng dụng AI được tích hợp ngay từ khâu thiết kế mạng (AI Native). Điểm mới đáng học hỏi ở viễn thông Phần Lan nằm ở việc các công ty viễn thông đã kiến tạo ra các không gian mới, tận dụng thế mạnh về công nghệ để các công ty, doanh nghiệp phát triển mạng lưới, phát triển các sản phẩm của mình tạo ra doanh thu, lợi nhuận tương đối lớn (monetization).
Bộ trưởng cũng chia sẻ về câu chuyện của Nokia, doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Phần Lan một thời, qua đó, các giai đoạn phát triển từ thời kỳ thịnh vượng đến suy thoái của Nokia đã mang đến nhiều bài học giá trị. Những thăng trầm này không chỉ giúp Phần Lan rút ra kinh nghiệm quý báu về quản trị và đổi mới doanh nghiệp, mà còn là minh chứng cho việc không ngừng sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi ra thế giới, là cơ hội để mở mang tầm nhìn, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến từ các quốc gia. Các chuyến công tác nước ngoài không chỉ giúp tiếp cận với các xu hướng mới, mô hình quản lý hiệu quả mà còn mang lại những giá trị thiết thực để áp dụng vào công việc, phát triển ngành và lĩnh vực. Việc học hỏi từ thế giới, theo Bộ trưởng, sẽ giúp mở rộng tầm nhìn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đóng góp vào sự phát triển toàn diện, bền vững. Những tri thức và kinh nghiệm thu được qua các chuyến công tác sẽ được chuyển hóa thành giải pháp cụ thể, phục vụ thiết thực cho ngành, lĩnh vực và cả quốc gia.
Đẩy mạnh xây dựng và ứng dụng trợ lý ảo trong toàn Bộ
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lắng nghe Cục Chuyển đổi số quốc gia báo cáo về quá trình triển khai thử nghiệm trợ lý ảo hỗ trợ công việc và những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị trực thuộc Bộ gặp phải trong quá trình thực hiện.
Theo Bộ trưởng, đây là công nghệ mới, do đó quá trình triển khai có thể đối mặt với thử thách, khó khăn, thậm chí là trục trặc kỹ thuật và sự thiếu hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên chỉ khi bắt tay vào làm, các vấn đề mới dần dần được phát hiện và giải quyết. Việc phát triển trợ lý ảo hỗ trợ công việc tại Bộ là một ví dụ điển hình cho sự khó khăn này, bởi lẽ chưa có quốc gia nào trên thế giới từng triển khai một cách rộng rãi một trợ lý ảo chuyên biệt cho công việc. Vì vậy, cần phải tìm cách biến việc khó thành việc dễ, nếu không càng làm sẽ càng gặp khó. Trợ lý ảo là một sản phẩm của sự tiến hóa trong công nghệ, nên thay vì nhìn nhận nó từ góc độ của những người làm công nghệ, cần có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn để tránh những khó khăn không đáng có.
Khi xây dựng tri thức cho Trợ lý ảo, cách thường làm là đặt nhiều câu hỏi trước rồi mới đi làm câu trả lời sau. Việc này có thể dẫn đến quá nhiều câu hỏi, mất nhiều công sức làm các câu trả lời. Chất lượng câu hỏi có thể không đủ tốt, các câu hỏi cũng có thể rất giống nhau, không đến mức phải làm các câu trả lời khác nhau. Và cũng vì phải cố nghĩ ra câu hỏi nên có thể nhiều câu hỏi sẽ không gắn với công việc thường xuyên của cán bộ, của đơn vị hoặc rất khó để trả lời. Các câu hỏi được nghĩ ra mỗi ngày nên sẽ khá tản mạn, sau này khi quy định thay đổi thì phải sửa rất nhiều chỗ, nếu quản lý không tốt sẽ dẫn đến có những nội dung không được sửa đổi.
Bộ trưởng yêu cầu làm ngược lại. Mỗi đơn vị sẽ làm cẩm nang về các công việc của đơn vị mình trước, sau đó mới nghĩ đến việc đặt các câu hỏi xung quanh mỗi công việc, để khi mọi người hỏi các câu hỏi này thì đều trỏ đến công việc đó. Cẩm nang công việc trước tiên phải gắn với những việc vẫn đang phải làm hàng ngày, hàng tháng, hàng quý,... Như vậy mỗi lần bổ sung, cập nhật cẩm nang, người cập nhật sẽ không cảm thấy thêm việc, thêm tải mà sẽ càng hiểu sâu, hiểu rõ hơn các việc mà mình và tổ chức đang làm, thậm chí có thể sinh ra ý tưởng mới, cách làm mới. Việc này giống như việc sắp xếp, rà soát, chuẩn hóa lại tài liệu của mình, là việc mà mỗi cán bộ cần làm để biến các 'tri thức ẩn' của mình trong quá trình công tác thành tri thức chung của tổ chức.
Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi khi làm việc gì mà khó khăn thì nên thay đổi cách tiếp cận, và nhiều khi là làm ngược lại.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu mỗi đơn vị. Theo Bộ trưởng, năm 2024, Bộ TT&TT đang soạn thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, với trọng tâm là người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào quá trình triển khai ứng dụng các công cụ kỹ thuật số, đảm bảo hiệu quả và thực tiễn trong công việc.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện và ứng dụng trợ lý ảo, bởi đây là một phần thiết yếu của quá trình chuyển đổi số toàn diện. Việc triển khai trợ lý ảo không chỉ dừng lại ở thử nghiệm hay phát triển một công cụ mới, mà cần được hiểu là một bước đi tất yếu để nâng cao hiệu quả làm việc và cải tiến quy trình trong các cơ quan, tổ chức. Mỗi đơn vị cần coi đây là một nhiệm vụ trọng yếu và đầu tư công sức, thời gian để đảm bảo thành công.
Theo Bộ trưởng, việc ứng dụng công nghệ mới không chỉ mang lại lợi ích cho riêng từng đơn vị mà còn góp phần vào mục tiêu lớn hơn của cả ngành và đất nước, hướng tới xây dựng một chính phủ số, một nền kinh tế số hiện đại và hiệu quả và việc triển khai trợ lý ảo là một phần không thể thiếu trong lộ trình này./.