Dự hội nghị là 42 doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên và 19 doanh nghiệp, đơn vị cung ứng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm đầu vào có uy tín, thương hiệu, trong đó có 11 doanh nghiệp, đơn vị có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hải Phòng.
Đại diện các doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể các bước triển khai tạo gian hàng và hướng dẫn vận hành, khai thác trên sàn “Postmart.vn” và sàn “Voso.vn”.
Thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, doanh nghiệp có thể tự tạo gian hàng và bán hoặc mua các sản phẩm, nguyên liệu.
Còn người tiêu dùng, có thể ngồi tại nhà vào các sàn thương mại điện tử để mua được sản phẩm thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp mà mình mong muốn.
Mặt khác, thông qua sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin hữu ích diễn biến của thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản để có thể điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp.
Qua đó, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian trên kênh phân phối mới hiện đại và bền vững.
Ngay tại hội nghị, UBND các quận, huyện được yêu cầu tiếp tục phối hợp với Sở TT&TT chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền về công tác hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022.
Thường xuyên cập nhật, cung cấp danh sách các hộ thương mại điện tử, bao gồm: các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng lên sàn giao dịch thương mại điện tử cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, cung cấp thông tin dữ liệu, danh mục, kế hoạch nông sản chi tiết từng tháng trên địa bàn quản lý như: thông tin mùa vụ, sản lượng, chất lượng, khung giá bán, bảng phân loại sản phẩm,… cho Sở NN&PTNT.
Ông Nguyễn Trường Giang, một đại biểu cho biết “những thông tin tại hội nghị rất thiết thực và bổ ích cho doanh nghiệp, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử là xu thế tất yếu của tương lai”.
Theo Sở TT&TT Hải Phòng, trong năm 2022, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện để Bưu điện thành phố Hải Phòng, Chi nhánh Viettel Hải Phòng triển khai các chỉ tiêu, đảm bảo ít nhất 70% số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử được tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng.
Đồng thời, sẽ có ít nhất 60% số hộ tham gia tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm, ít nhất 50% số hộ có gian hàng số trên sàn thương mại điện tử và ít nhất 50% số hộ có tài khoản thanh toán điện tử.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, đơn vị sẽ giao Bưu điện TP Hải Phòng và Chi nhánh Bưu chính Viettel Hải Phòng tiếp tục thiết lập khoảng 150.000 tài khoản hoạt động trên sàn thương mại điện tử trong năm 2022.
Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn thương mại điện tử và hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.
“Năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch của UBND TP Hải Phòng về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Hải Phòng. Đây là cũng là kế hoạch dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cả nước nói chung”, ông Lê Văn Kiên – Phó Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho biết.