Hải Dương là một trong 16 tỉnh chính thức tham gia chi trả lương hưu qua hệ thống Bưu điện từ ngày 1/7/2013, trước đó đã có 12 tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm hình thức chi trả này. Để đảm bảo tốt việc chuyển đổi sang phương thức chi trả qua Bưu điện tại địa bàn tỉnh Hải Dương, Bảo hiểm xã hội và Bưu điện tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ, đúng với những tiêu chí trong hợp đồng đã ký kết giữa hai ngành.
Trao đổi với đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Khang, phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, hình thức chi trả bảo hiểm xã hội của nước ta đến nay đã có gần 70 năm, trong quá trình thực hiện chính sách thì có một nhiệm vụ quan trọng là chi trả cho các chế độ chính sách. Trải qua gần 70 năm với nhiều phương thức chi trả khác nhau như: Bảo hiểm xã hội trực tiếp chi trả ở những nơi có điều kiện; chi trả qua các đại diện tại xã, phường, thị trấn; chi trả qua tài khoản cá nhân. Những hình thức chi trả đó đều hướng đến mục tiêu luôn đảm bảo mang tiền đến cho đối tượng thụ hưởng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến những người có công sức đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Bảo hiểm xã hội và Bưu điện tỉnh Hải Dương xác định đây là một vấn đề rất lớn, liên quan đến quyền lợi, liên quan đến tâm lý, thói quen của những người lâu nay đang được hưởng chế độ. Vì vậy, hai đơn vị đã triển khai việc chi trả với tính chuyên nghiệp, đảm bảo đúng nguyên tắc, mục tiêu. “Chúng tôi cho rằng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển việc chi trả lương hưu hàng tháng qua cho ngành Bưu điện là hoàn toàn đúng chủ trương”, ông Khang nói.
Về phía Bưu điện tỉnh, Ông Đào Văn Tưởng, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương cho biết việc chi trả bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện được tỉnh xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần vào công tác an sinh xã hội của tỉnh, đồng thời giữ vững thương hiệu của ngành Bảo hiểm cũng như ngành Bưu điện. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội và Bưu điện tỉnh đã phối hợp rất chặt chẽ. Cách đây gần 1 năm, Bảo hiểm xã hội đã tạo điều kiện cho Bưu điện tỉnh vào khảo sát, nghiên cứu mạng lưới chi trả hiện tại của Bảo hiểm để từ đó Bưu điện tỉnh đưa ra phương án chi trả mới, theo hướng thuận lợi hơn trước, tốt hơn trước. Trên cơ sở đó, tháng 6/2013, hai đơn vị đã thống nhất thực hiện thí điểm chi trả ở 3 đơn vị: huyện Cẩm Giàng, huyện Kinh Thành và 3 điểm của thành phố Hải Dương. Đến tháng 7/2013, Bưu điện tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh thống nhất thực hiện trên địa bàn 12/12 huyện, thị. Trước khi thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, Bưu điện Hải Dương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các giao dịch viên làm quen với công việc.
Theo khảo sát của đoàn công tác trong ngày 6/9/2013 tại 4 điểm chi trả của tỉnh, các cán bộ của ngành Bưu điện đã thực hiện chi trả cho hơn một nghìn đối tượng với số tiền là gần 4 tỷ đồng. Cụ thể tại các điểm như sau: 1. Điểm chi trả khu 17 - Phường Thanh Bình, TP Hải Dương: 425 đối tượng, số tiền 1.584.573.400 đồng; 2. Điểm chi trả khu 16 - Phường Bình Hàn TP Hải Dương: 199 đối tượng, số tiền 612.129.100 đồng; 3. Điểm chi trả UBND xã Hồng Phong huyện Nam Sách: 212 đối tượng, số tiền 658.962.700 đồng; 4. Điểm chi trả Bưu điện VH xã Nam Hồng huyện Nam Sách: 212 đối tượng, số tiền 667.746.000 đồng.
Chia sẻ về cảm nhận của mình khi được nhận lương qua hình thức mới này, ông Nguyễn Minh Tuyến, 72 tuổi, khu 17, phường Thanh Bình, Hải Dương cho biết “Tôi thấy có ưu điểm là an toàn cho cả người đi lĩnh và cho cả người phát. Trước đây, khi đến ngày lĩnh lương có người mang đến tận nhà, nhiều lúc không có nhà, người đi phát cứ phải chờ đợi. Bây giờ ra nhà văn hóa lĩnh thì nhận được ngay, lại nhanh chóng, thuận tiện”.
Bà Phạm Thị Tính, 72 tuổi, nguyên là Hiệu phó trường Võ Thị Sáu, lương hiện tại 4 triệu chia sẻ “Tôi nhận bảo hiểm xã hội từ năm 1994, đến nay là gần 20 năm. Nhưng từ khi Bảo hiểm xã hội chuyển qua Bưu điện thì cảm thấy rất là tốt. Trước thì phải xếp sổ 2 ngày mới lĩnh được lương. Từ hôm chuyển qua bưu điện trả thì rất nhanh chóng và gọn gàng lại không nhầm lẫn gì cả. Các cô giao dịch viên đã chuẩn bị từ trước, tiền của ai cũng được đếm gọn gàng và có tên tuổi, số tiền được nhận. Nói chung rất là tốt mà rất nhanh, tôi rất là vui và phấn khởi, các chị em ở đây đi lĩnh lương cũng vậy”.
Bác Nguyễn Hữu Cộng 67 tuổi, xã Nam Hồng,huyện Nam Sách, Hải Dương thì cho rằng: Trước đây được phát lương tận nhà thì thích hơn, vợ có thể nhận thay cho chồng hoặc con có thể nhận thay cho cha mẹ. Nhưng từ khi chuyển sang bưu điện chi trả thì phải đi đến tận nơi lĩnh, muốn nhận thay thì phải có giấy ủy quyền và có sự xác nhận của địa phương. Thời gian đầu thấy không quen. Nhưng nay quen rồi thì thấy rất hài lòng và yên tâm.
Có một điều đặc biệt nữa là đoàn còn được trò chuyện, trao đổi với những bác đã từng làm công tác chi trả lương hưu trước khi có hình thức chi trả qua bưu điện. Mặc dù phải phải “chia tay” với công việc đem lại một phần thu nhập nhỏ trong tháng nhưng bác Nguyễn Như Cừ, 78 tuổi, tại Thôn Vạn Tài, xã Hồng Phong, Huyện Nam Sách, Hải Dương với thời gian 26 năm hưởng lương hưu và thâm niên 20 năm làm ở tổ công tác chi trả cho các cán bộ cho biết: “Tôi rất hài lòng và yên tâm với hình thức chi trả mới của Chính phủ”, Bác Cừ nói.
Nhìn chung việc triển khai thực hiện thí điểm việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện ở Hải Dương sau 03 tháng đã đảm bảo được việc chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định cho người được thụ hưởng, nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền, các ngành đoàn thể và người hưởng...