Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển báo chí tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực sau hơn 5 năm triển khai Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, Hà Nội có 20 cơ quan báo chí, bao gồm 12 báo, 7 tạp chí và 1 đài phát thanh - truyền hình. Đến nay, con số này đã được tinh gọn xuống còn 8 cơ quan, trong đó có 5 báo, 2 tạp chí và 1 đài phát thanh - truyền hình. Đây là kết quả của quá trình sắp xếp, chuyển đổi mô hình và kiện toàn bộ máy để đáp ứng các yêu cầu mới.
Tổng số lao động tại các cơ quan báo chí hiện nay là 1.187 người, trong đó có 556 người được cấp thẻ nhà báo. Doanh thu của các cơ quan báo chí trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 427,7 tỷ đồng, với nguồn thu từ quảng cáo chiếm tỷ trọng đáng kể.
Các cơ quan báo chí chủ lực như Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Lao động Thủ đô, Báo Tuổi trẻ Thủ đô và Báo Phụ nữ Thủ đô đã được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động.
Báo điện tử của Hà Nội ngày càng phát triển với nội dung đa dạng, cập nhật nhanh chóng cùng giao diện hiện đại thu hút sự quan tâm của người đọc, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu thông tin trong thời đại số. Điển hình là báo Kinh tế và Đô thị với hơn 225.000 lượt truy cập/ngày, các báo điện tử khác như báo Tuổi trẻ Thủ đô và báo Hà Nội Mới cũng duy trì lượng truy cập ổn định, phục vụ tốt đối tượng độc giả trong và ngoài Thành phố.
Thành phố cũng ghi nhận những thành tựu trong chuyển đổi số, với Báo Hà Nội Mới và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về mức độ trưởng thành trong chuyển đổi số nhờ đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất nội dung, đa dạng phương thức đồng thời phát triển các kênh số như ứng dụng HaNoiOn và các nền tảng mạng xã hội. Báo Kinh tế và Đô thị đã tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR/AR) vào hoạt động quản lý và sản xuất tin bài.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Hà Nội vẫn đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu giảm xuống chỉ còn một cơ quan báo chí theo quy hoạch, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nội dung và hiệu quả hoạt động. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu quy hoạch một cách hiệu quả, Thành phố cần xây dựng các giải pháp phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Điều này bao gồm việc duy trì hệ thống báo chí đủ mạnh để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, định hướng dư luận, đồng thời hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu hướng truyền thông hiện đại trong bối cảnh mạng xã hội phát triển nhanh chóng.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận và làm rõ thêm các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Quyết định số 362/QĐ-TTg, đặc biệt là những khó khăn trong việc hợp nhất các cơ quan báo chí. Các nội dung đáng chú ý bao gồm việc tổ chức cơ cấu, định hình hoạt động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, cũng như đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hậu sáp nhập…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương biểu dương những kết quả tích cực mà Hà Nội đã đạt được trong quá trình thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg. Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ TT&TT tổng hợp các ý kiến, đề xuất từ phía Hà Nội để trình lãnh đạo Bộ và Chính phủ./.