Khi đội cồng chiêng nữ làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) trình diễn luôn có thành viên dùng điện thoại ghi hình. Sau đó, cả đội cùng xem lại các tiết mục biểu diễn để rút kinh nghiệm, điều chỉnh đội hình, động tác và nhịp điệu.
Chị Đinh Thị Hăn-Thành viên đội chiêng nữ làng Kgiang-cho biết: “Nhờ cách làm này, các thành viên sửa lỗi rất nhanh, không phải qua sự chỉ dạy trực tiếp từ các nghệ nhân, già làng. Qua việc ghi hình lưu lại các bài nhạc chiêng, thế hệ trẻ như mình biết nhiều bài nhạc chiêng cổ hơn”.
Không chỉ hoạt động trình diễn cồng chiêng, các nghi thức, nghi lễ, nghề thủ công truyền thống của người Bahnar, bà con cũng thường xuyên quay video bằng điện thoại và lan tỏa trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.
Khi các giá trị văn hóa được số hóa trên các nền tảng mạng, việc tiếp cận và sáng tạo văn hóa trở nên thuận lợi hơn đối với người dân. Khi đó, văn hóa không chỉ phát huy giá trị là nền tảng tinh thần mà còn là tiềm lực vật chất trong phát triển kinh tế-xã hội.
Với ý nghĩa đó, tháng 11-2024, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức bồi dưỡng kỹ năng tự phát huy giá trị di sản văn hoá cho trên 30 nghệ nhân của huyện Ia Grai.
Trong đó, nổi bật là kỹ thuật photovoice-cộng đồng tự kể các câu chuyện văn hóa của dân tộc mình. Ông Nông Quốc Thành-Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa-cho biết: Qua khảo sát thực tế, bà con dân tộc thiểu số sử dụng thiết bị smartphone có chức năng ghi âm, quay video chiếm trên 60%. Nhiều thành viên trong cộng đồng đưa các video clip lên Facebook, YouTube, TikTok… và tạo ra sức lan tỏa rất lớn.
Chương trình tập huấn giúp nghệ nhân nắm kỹ năng xây dựng nội dung và quay video có mục đích rõ ràng để đăng tải trên các nền tảng số. Từ đó, giới thiệu, quảng bá rộng rãi di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Sau khóa bồi dưỡng, nghệ nhân thực hành các kỹ năng tạo ra những sản phẩm ghi hình với chất lượng, nội dung, hình ảnh, âm thanh tốt hơn.
Bên cạnh đó, các nghệ nhân được hướng dẫn kỹ năng kết nối hình ảnh, âm thanh, lời giới thiệu về các tập quán, nghi lễ, diễn xướng truyền thống của cộng đồng để hình thành các câu chuyện kể về đời sống văn hóa từ góc nhìn của chính họ.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, việc áp dụng phương pháp photovoice giúp cộng đồng tự giới thiệu, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch có tính khả thi cao và phù hợp với xu thế thời đại.
Đây là điểm mới mang lại cho cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà họ là chủ thể sáng tạo và sở hữu từ đó sáng tạo ra nguồn lực mới cho cộng đồng phát triển bền vững”-ông Thành nhấn mạnh.
Thời gian qua, ngành Văn hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong một số hoạt động bảo tồn di sản. Tiêu biểu như đợt kiểm kê cồng chiêng toàn tỉnh cuối năm 2020 được thực hiện theo phương pháp khảo sát, điền dã dân tộc học, ghi chép kết hợp ứng dụng số hóa trong phỏng vấn, quay video, chụp ảnh để tổng hợp số liệu và đánh giá hiện trạng.
Với phương pháp kiểm kê khoa học và cụ thể, kết quả đã phản ánh tương đối chính xác hiện trạng cồng chiêng trong cộng đồng. Đợt khảo sát này ghi nhận toàn tỉnh còn lưu giữ 4.576 bộ cồng chiêng, giảm 1.079 bộ so với kết quả kiểm kê năm 2008.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), kết quả kiểm kê cồng chiêng cho số liệu chính xác, phản ánh đúng kết quả bảo tồn sát với đời sống thực. Đợt kiểm kê không chỉ kiểm đếm số lượng mà còn đánh giá tổng quan về môi trường thực hành của cồng chiêng trong cộng đồng.
Đặc biệt, việc số hóa dữ liệu của đợt kiểm kê cồng chiêng là cơ sở để ngành Văn hóa tiếp tục phát huy việc bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng trong thời gian tới.
“Từ dữ liệu kiểm kê này, năm 2025, ngành Văn hóa tiếp tục ứng dụng Google Maps để định vị chính xác từng gia đình có cồng chiêng. Cùng với đó, ứng dụng Google Photo được tích hợp cùng với Google Maps để hiển thị tất cả những thông tin liên quan. Ví dụ: Gia đình ông A có bao nhiêu bộ cồng chiêng ở làng, xã nào, có những sinh hoạt gì gắn với cồng chiêng. Mọi người muốn tìm địa chỉ cũng dễ dàng, chính xác từ tọa độ có sẵn.
Đây là một trong những ứng dụng của chuyển đổi số hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay. Cán bộ văn hóa cơ sở sẽ nắm được tổng quan, chính xác hiện trạng cồng chiêng tại địa phương”-Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho biết.
Trong những yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi số, nhận thức đóng vai trò quan trọng. Do đó, để ứng dụng các giải pháp công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, không chỉ phổ cập số hóa cho người dân mà từng cán bộ, công chức cũng cần trang bị những kỹ năng cần thiết, đồng thời định hướng hỗ trợ cho người dân để họ có thể “tự kể chuyện làng” theo phương pháp photovoice.