Game lậu (bao gồm game không phép, phát hành chui, phát hành xuyên biên giới hoặc không sở hữu quyền phát hành) đã hình thành và phát triển như vũ bão tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài danh sách ấy. Không những thế, nó còn ăn sâu, vươn xa vào cộng đồng game thủ Việt nhiều hơn những gì chúng ta có thể đong đếm.
Game lậu tại thị trường Việt Nam đã thoái trào
Thứ bảy, 03/10/2020 19:43
Từng có thời điểm, hàng chục máy chủ phát hành chui ra mắt ăn theo các tựa game chính thống
Thật vậy, chỉ với số tiền không đáng là bao so với những gì cần cố gắng tại một máy chủ chính thống, lợi tức tại các máy chủ lậu luôn dồi dào hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó công sức "cày cuốc" của người chơi bỏ ra cũng ít hơn thông thường khiến nhiều game thủ vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái thiệt về sau. Đã có khá nhiều bài viết phân tích thiệt hơn khi dấn thân vào các máy chủ lậu nhưng như thế vẫn là chưa đủ để người chơi tỉnh ngộ.
"Tiền mất tật mang" là những gì có thể miêu tả về thị trường game lậu. Một khi đã lời lãi thậm chí "hồi vốn", các NPH lậu sẽ chẳng mảy may suy nghĩ về lợi ích của người chơi mà phủi tay đóng cửa game. Hoặc nếu may mắn chọn được một máy chủ lậu "có tâm" thì liệu ai dám chắc máy chủ lậu đó sẽ duy trì được bao lâu nếu không hút máu? Có vô số hình thức moi tiền của người chơi tại các máy chủ lậu một cách bài bản.
Theo Thanh tra Bộ TT&TT, vào thời điểm 2018, trên thị trường còn tồn tại hàng trăm trò chơi không phép. Thực tế, doanh thu của các doanh nghiệp có game được cấp phép phát hành chỉ bằng 70% so với doanh thu thực tế của toàn ngành.
Như vậy, 30% doanh thu đang rơi vào doanh nghiệp cung cấp game lậu, đồng nghĩa với việc Nhà nước bị thất thu thuế khá lớn. Cũng theo thống kê sơ bộ năm 2014, game phát hành lậu trên máy tính chiếm đến 45%, game lậu trên thiết bị di động chiếm 40% tổng doanh thu.
Từng có thời điểm, hàng chục máy chủ phát hành chui ra mắt ăn theo các tựa game chính thống. Có thể kể đến như Võ Lâm Truyền Kỳ, MU Online, Con Đường Tơ Lụa, Thiên Long Bát Bộ, Gunbound... là những game PC bị làm lậu nhiều nhất.
Rồi đến giai đoạn webgame (game trên trình duyệt) với Kiếm Tung 3D, Vấn Tiên, Hoành Tảo Thiên Hạ... cho tới những game trên mobile như Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile, Tru Tiên Thanh Vân Chí, Đao Phong Vô Song... Đó là những cái tên dễ dàng điểm thấy trong làn sóng game phát hành không chính thống từng khiến không ít doanh nghiệp phải đau đầu tìm cách xử lý.
Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới tình trạng game phát hành xuyên biên giới, có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt dù đặt máy chủ ở nước ngoài, đi kèm với đó là các hình thức thanh toán khó kiểm soát.
Tuy nhiên, đó đã là quá khứ. Dù vẫn còn tồn tại nhưng do việc siết chặt kiểm soát từ các cơ quan chức năng, qua công cụ thanh toán hay các kho ứng dụng, cùng với thực tế không thể liên tục làm mới và ra mắt cập nhật, các tựa game lậu đang dần mất dấu trên thị trường Việt Nam.
Ngoại trừ một số sản phẩm của VNG bị làm lậu, đặc điểm chung trong số còn lại đều là những game đang hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa. Sau khi VNG và nhiều doanh nghiệp khác kiến nghị với Bộ TT&TT một số giải pháp về kỹ thuật, tài chính để siết chặt quản lý đối với game lậu, tình trạng này hiện đã thuyên giảm.
Ngoài ra, với việc hợp thức hóa trung gian phát hành, nới lỏng các thủ tục cấp phép và phê duyệt nội dung kịch bản, các doanh nghiệp trong nước đã được tạo điều kiện thuận lợi để vận hành sản phẩm một cách chính thống và dễ dàng hơn.
Chỉ trong khoảng 6 tháng tính từ hồi đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình đại dịch vẫn có những diễn biến phức tạp, thị trường game Việt vẫn liên tục đón nhận và ra mắt hàng loạt sản phẩm mới, không kém phần chất lượng. Trong khi đó, thị phần game lậu trong giai đoạn này ngày càng bị thu hẹp và đang có dấu hiệu thoái trào.
Dạo qua một số fanpage và diễn đàn thảo luận về game lậu, có thể thấy chỉ còn lại rất ít các đầu game. Đa số là các game H5 (nền tảng HTML5) và một số game mobile xong quy mô không lớn và chu kỳ hoạt động ngắn, vận hành một cách chụp giật, đó cũng chính là những lý do khiên cho người chơi quay lưng với game lậu.
Có thể nói, với việc thắt chặt quản lý từ các cơ quan chức năng và sự đào thải từ chính nhu cầu thực tế cũng như thị hiếu của người chơi, game lậu đang mất đi chỗ đứng trên thị trường. Dù thực trạng game phát hành xuyên biên giới vẫn còn tồn tại, nhưng với sự chung tay từ nhà chức trách cùng lựa chọn có trách nhiệm của người chơi, game lậu sẽ sớm được kiểm soát và loại bỏ một cách triệt để.