Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, giao thương lượng hàng hóa thông qua 1.140 - 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container 38 - 47 triệu Teu); hành khách đạt khoảng 10,1 - 10,3 triệu lượt.
Trong giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nghiên cứu cơ chế chính sách để phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa). Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để đầu tư khi có đủ điều kiện…
Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đặt mục tiêu năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 4 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng 1,2 - 1,3 %/năm.
Ngoài việc phân thành 5 nhóm theo khu vực, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 3 loại theo quy mô, chức năng gồm: 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu; 15 cảng biển loại 1; 6 cảng biển loại 2 và 13 cảng biển loại 3.
Quy hoạch cũng đề ra sản lượng hàng hóa, hành khách thông qua các nhóm cảng đến giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.