Tiềm năng lợi thế ở Đông Sang là khí hậu thuận lợi, diện tích đất nông nghiệp lớn và khá bằng phẳng, màu mỡ. Đông Sang đã triển khai thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ có trọng tâm theo đúng định hướng của tỉnh, huyện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Quy mô, diện tích sản xuất và đối tượng tham gia thực hiện ngày càng được mở rộng. Nhất là việc thu hút các đơn vị có kinh nghiệm và năng lực trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Toàn xã hiện có 156 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho gần 107 ha cây trồng; 2 cơ sở áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 16,7 ha, tập trung chủ yếu trên các loại sản phẩm rau và cây ăn quả; có 1 mã số vùng trồng cho cây bơ với diện tích 6 ha. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt hiệu quả cao, tiết kiệm nước, giảm nhân công lao động; tiết kiệm chi phí sản xuất; tạo sản phẩm có chất lượng tốt; việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính đã mang lại nhiều hiệu quả, tránh được nhiều loại sâu bệnh, dịch hại, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ảnh hưởng xấu của thiên tai; đặc biệt rất phù hợp cho việc phát triển sản xuất rau, hoa trái vụ, kéo dài thời gian thu hoạch sản phẩm.
Là đơn vị tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Sang, Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu đang sản xuất 10 ha rau sạch theo hướng VietGAP cùng vườn ươm rau giống chất lượng cao. Toàn bộ quá trình sản xuất được đội ngũ kỹ thuật của công ty giám sát, ghi nhật ký điện tử hàng ngày. Trước khi sản phẩm được xuất bán, sẽ lấy mẫu để xét nghiệm; sản phẩm rau sạch được truy xuất nguồn gốc, mã vạch với các thông số cụ thể về quy trình sản xuất, loại giống cây, thời gian gieo giống và thu hoạch, địa điểm, người trồng.
Anh Trương Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu, thông tin: Công ty hiện có 5.000 m2 vườn ươm rau giống với hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, như: Máy gieo hạt, máy nghiền đất, máy đóng bầu, hệ thống tưới phun sương. Các giống rau chủ lực, gồm: Bắp cải, cải thảo và cà chua... Bình quân công ty sản xuất 12 triệu cây giống/năm, cung cấp cho bà con nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh. Công ty có 4 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất rau sạch với sản phẩm chủ lực là cây cà chua ghép trên thân cây cà tím sản xuất quanh năm, trung bình mỗi tháng xuất bán 30 tấn quả cà chua với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg. Tổng doanh thu năm 2023 của công ty đạt 10 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.
HTX rau an toàn Tự nhiên, xã Đông Sang là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, bằng các giải pháp đồng bộ, như: Nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu. HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử.
Chị Nguyễn Thị Nông, Phó Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên, cho biết: HTX duy trì 20 ha rau, củ các loại, trong đó trên 90% tổng diện tích sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng hệ thống mái che. Hằng năm, HTX xuất bán 3.000 tấn loại rau củ, thu nhập đạt từ 8-11 tỷ đồng/năm; sản phẩm của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc, mã số từng hộ thành viên. HTX ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội, như Metro, Vinmart, BigC và các bếp ăn tập thể ở một số trường học, doanh nghiệp tại huyện và thành phố Hà Nội.
Chia sẻ về những định hướng, giải pháp về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của xã trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, thông tin thêm: Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và tuân thủ các quy trình, kỹ thuật, tiêu chuẩn, từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong sản xuất trồng trọt.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp với hiệu quả kinh tế cao là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Đông Sang trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần xây dựng Mộc Châu trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.