Đây là hoạt động ý nghĩa do Bộ TT&TT tổ chức thường niên trước Tết Nguyên đán, là dịp để lãnh đạo Bộ TT&TT lắng nghe các ý kiến và đề xuất từ các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số nhằm định hướng hoạt động cho năm mới. Năm nay, buổi gặp mặt trở nên đặc biệt hơn khi các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm quý giá trên hành trình phát triển và vươn mình ra thị trường quốc tế.
Tư duy "luôn biết sợ"
Tại buổi gặp mặt, chia sẻ về những thành công của Công ty CP MISA, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, thành công của MISA hôm nay đến từ tư duy "luôn biết sợ" trước những công nghệ mới. Chính nỗi sợ đó đã thúc đẩy công ty thay đổi và sáng tạo không ngừng.
Từ việc cài đặt phần mềm kế toán cho doanh nghiệp đến phổ cập giáo trình kế toán vào các trường học, MISA đã tiến xa hơn khi chuyển dịch lên nền tảng điện toán đám mây từ những năm 2012-2013. Gần đây, với các giải pháp fintech đạt giải vàng Make in Vietnam, MISA đã giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp kết nối với ngân hàng để vay vốn nhanh chóng và hiệu quả.
Năm 2025 sẽ trở thành năm học hỏi và làm mới
Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GHTK, năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm của công ty. Đây cũng là thời điểm GHTK nhìn lại, đặt ra những câu hỏi cốt lõi: "Chúng ta giỏi gì, có gì, và muốn làm gì?". GHTK định hướng chiến lược cá nhân hóa trong sản xuất và dịch vụ, thay thế sản xuất đồng loạt truyền thống.
Với trọng tâm "học lại từ đầu", công ty cam kết năm 2025 sẽ trở thành năm của học hỏi và làm mới mọi thứ để đáp ứng xu hướng cá nhân hóa toàn cầu.
CEH: Làm chủ công nghệ cảng biển Việt Nam
Ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ Tin học CEH, cho biết, từ việc học hỏi nước ngoài, CEH đã tự phát triển giải pháp cảng biển số "Make in Vietnam" với giá thành hợp lý và hiệu quả tương đương các sản phẩm quốc tế. Chỉ sau chưa đầy 3 năm, từ 2 cảng biển ban đầu, hiện nay hơn 35 cảng biển tại Việt Nam đã sử dụng giải pháp của CEH, thay thế hoàn toàn các sản phẩm ngoại nhập.
Ngoài ra, CEH còn tiên phong ứng dụng công nghệ AI hẹp với sản phẩm SmartGate AI, giúp giảm 100% nhân sự giao nhận tại cổng, hạn chế kẹt xe và tối ưu hóa quy trình phát hành chứng từ điện tử.
Về yếu tố giúp CEH thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường giải pháp quản lý cảng biển bằng sản phẩm Make in Vietnam, ngoài nội lực sản phẩm, ông Tạ Minh Vang còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự tư vấn, hỗ trợ từ Bộ TT&TT. Chính sự đồng hành này đã giúp CEH tự tin phát triển các giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn và tạo ra giá trị vượt trội cho thị trường trong nước.
Những chia sẻ tâm huyết từ lãnh đạo của 16 doanh nghiệp không chỉ truyền cảm hứng mà còn thể hiện rõ tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong hành trình vươn ra thế giới.
Công nghệ chính là con đường giúp Việt Nam vươn tầm thế giới
Tại buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh và chỉ rõ, công nghệ chính là con đường giúp Việt Nam vươn tầm, và các doanh nghiệp công nghệ cần xem Việt Nam là cái nôi trưởng thành trước khi vươn ra toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều bài toán lớn, như thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị hay nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khẳng định vai trò khi sử dụng công nghệ để giải quyết hiệu quả những vấn đề này.
Việt Nam không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là môi trường để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trưởng thành và vươn ra toàn cầu. Do đó các doanh nghiệp xác định rõ sứ mệnh, lấy tinh thần tự cường làm nền tảng, làm chủ từ ứng dụng đến công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, để tạo ra các giải pháp mang dấu ấn Make in Vietnam.
Trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, mà còn đóng góp cho hòa bình và sự phát triển của nhân loại. "Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần nhận lấy sứ mệnh và làm rạng danh đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, theo chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam sẽ triển khai mạng di động 5G trên toàn quốc vào năm 2025. Các nhà mạng Viettel, VNPT, và MobiFone đã được giao nhiệm vụ đẩy nhanh lắp đặt trạm phát sóng di động (BTS) trên toàn quốc ngay trong năm nay.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng, với sự đồng lòng và tinh thần tiến công mạnh mẽ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Buổi gặp mặt là cơ hội để các đại diện cùng lắng nghe, chia sẻ chân thành những bài học, kinh nghiệm và tầm nhìn, tạo nên sự đồng thuận và gắn kết trong sứ mệnh phát triển công nghệ Việt Nam./.