Đảm bảo dòng chảy vật chất chủ lưu của xã hội
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội phải tạm dừng hoạt động để tuân thủ quy định giãn cách xã hội, cách ly toàn xã hội.
Hạn chế ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, rất nhiều người dân, doanh nghiệp đã thay đổi hành vi, lối sống sang môi trường trực tuyến (online), từ làm thủ tục hành chính đến mua sắm hàng hóa tiêu dùng. Bước cuối cùng của hầu hết các giao dịch online đó – đưa hồ sơ, tài liệu, bưu phẩm, hàng hóa đến tận tay người dân, doanh nghiệp – không thể thiếu sự hỗ trợ của lực lượng bưu chính, chuyển phát.
Trong bối cảnh đặc biệt này, nhiều dịch vụ mới, nhiều quyết định đột phá, táo bạo đã được doanh nghiệp bưu chính triển khai để hoàn thành sứ mệnh “lưu thông dòng chảy vật chất chủ lưu của xã hội”.
Điển hình như Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) đã hợp tác với VietnamAirlines dành riêng một chuyến bay mỗi ngày tuyến Hà Nội - TP.HCM và ngược lại (từ thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần) để vận chuyển hàng hoá, ưu tiên bưu gửi dịch vụ chuyển phát nhanh EMS. Thời điểm hiện tại, VietnamPost là doanh nghiệp bưu chính trong nước đầu tiên thuê riêng một máy bay để chuyên chở hàng hóa. Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đánh giá đây là một sáng kiến độc đáo, sáng tạo, là kinh nghiệm hay có thể chia sẻ với bưu chính các nước.
Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng triển khai thí điểm dịch vụ vận tải nhanh chuyên tuyến MyGo Express tại Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ; dự kiến sẽ chính thức ra mắt từ ngày 1/5 tới. Đây là dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh theo hành trình và khung thời gian cố định trên các trục đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu gửi hàng chuyên tuyến giữa các địa phương của người dân, doanh nghiệp, thay thế cho dịch vụ gửi hàng qua xe khách (hiện nay, nhiều đơn vị vận tải đang phải tạm ngừng hoạt động – PV).
Cùng với các doanh nghiệp bưu chính lớn, hàng loạt doanh nghiệp chuyển phát nhỏ hơn như Giao hàng nhanh, Netco... cũng đang tích cực phát huy thế mạnh của mình trong đời sống, xã hội. Bóng dáng những nhân viên chuyển phát vẫn xuất hiện khắp mọi ngõ ngách, phố phường, thôn bản... để trao tận tay khách hàng những món đồ, bưu phẩm, bưu kiện được đặt online, từ hộp xôi sáng đến thực phẩm ăn trưa hay cốc cà phê tối, từ cái váy siêu giảm giá đến đôi giày thể thao... Nhờ đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường, bình thường theo một cách khác so với những ngày trước khi xảy ra đại dịch.
Những hệ thống công nghệ chống dịch được xây dựng “thần tốc”
Ngay từ giai đoạn đầu phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, các doanh nghiệp bưu chính đã tích cực chung tay xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ phòng chống dịch.
Chẳng hạn, 52.000 cán bộ công nhân viên, người lao động Vietnam Post và 22.000 cán bộ nhân viên Viettel Post trên khắp cả nước đã nhanh chóng thu thập dữ liệu cơ sở lưu trú toàn quốc phục vụ công tác quản lý khách lưu trú kết nối với thông tin phòng chống dịch trên Hệ thống khai báo sức khoẻ du lịch ncov.moh.gov.vn.
Không chỉ vậy, nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ phòng chống dịch đã được gấp rút nghiên cứu, triển khai bởi chính đội ngũ những người bưu chính Việt Nam. Việc này trước đây ít người nghĩ đến hoặc nghĩ là sẽ có thể làm được.
Một trong những sản phẩm công nghệ được công chúng nhiệt tình ủng hộ, đánh giá cao là hệ thống đăng ký chi trả tại nhà ansinhxahoi.vnpost.vn do Vietnam Post xây dựng, giúp hàng triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp xã hội và bảo trợ xã hội có thể hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Kiêm Văn, Giám đốc CNTT của Vietnam Post cho biết: “Việc xây dựng hệ thống này rất cấp bách, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hệ thống đã được các kỹ sư công nghệ của Bưu điện Việt Nam tập trung phát triển trong 4 ngày liên tục, hiện đã sẵn sàng để phục vụ người dân cả nước. Đây là hệ thống ứng dụng công nghệ được triển khai gấp rút nhất từ trước tới nay của Vietnam Post”.
Bên cạnh hệ thống đăng ký chi trả tại nhà nêu trên, Vietnam Post còn nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ phòng chống dịch khác như: Hệ thống tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện; Bản đồ vùng dịch tại ứng dụng NCOVI, hiển thị dữ liệu về dịch bệnh, giúp người biết rõ vùng cách ly, khoảng cách đến các điểm cần quan tâm liên quan đến dịch bệnh...
Đặc biệt, triển khai nhiệm vụ do Bộ TT&TT giao, đến nay, hơn 23 triệu địa chỉ trên toàn quốc đã được Vietnam Post gán mã lên hệ thống bản đồ số Vmap, góp phần hỗ trợ các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt nhất các công việc liên quan tới giấy tờ có địa chỉ của công dân. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động cứu trợ, cấp cứu cũng được thực hiện nhanh và chính xác hơn nhờ mã địa chỉ.
Theo đánh giá của UPU, bản đồ số với mã địa chỉ bưu chính sẽ là công cụ hữu hiệu để chính quyền triển khai các dịch vụ khẩn cấp hoặc tổ chức cung cấp vật tư y tế. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia phát triển, nơi tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên căng thẳng, việc lập bản đồ số ứng dụng mã địa chỉ bưu chính vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Đối chiếu với hoạt động của bưu chính Việt Nam, việc gán mã hơn 23 triệu địa chỉ đã và đang đưa Việt Nam thành “điểm sáng” về hoạt động ứng dụng công nghệ phòng chống dịch bệnh của các nước thành viên UPU.
Bên cạnh những hệ thống ở tầm quốc gia nêu trên, các doanh nghiệp bưu chính lớn như Viettel Post, Vietnam Post còn đẩy mạnh hoạt động cung cấp hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá trên các sàn giao dịch như voso.vn, postmart.vn... để người dân yên tâm “ở nhà chống dịch”.
Một số startup trong lĩnh vực bưu chính cũng đã phát triển ý tưởng, ứng dụng công nghệ phòng chống dịch Covid-19. Có thể kể đến: Robot hỗ trợ giao hàng của Công ty Cổ phần Drone Pro Vietnam, một hệ thống thiết bị bay thông minh kết nối trực tiếp người bán và người mua trên nhà cao tầng; Dịch vụ vận chuyển trực tuyến Đi Chung của startup Đi Chung, một dịch vụ trực tuyến vận chuyển hàng hóa liên tỉnh door-to-door (từ cửa đến tận cửa) siêu nhanh trong vòng 4 tiếng; Hoặc giải pháp quản lý chuỗi cung ứng Supply Chain Management của Abivin, phần mềm quản lý giao hàng, lên lộ trình tối ưu để vận chuyển hàng cứu trợ, thiết bị y tế và hàng hóa giúp phòng chống đại dịch Covid-19, được cung cấp miễn phí từ ngày 1/4 đến 30/6/2020...
Ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số
Ở góc nhìn chuyên ngành TT&TT, những hệ thống ứng dụng công nghệ phòng chống dịch bệnh do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam xây dựng là kết quả thực hiện Chỉ thị 16 của Bộ trưởng Bộ TT&TT phát động Cuộc vận động Ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số.
“Khó khăn lớn nhất là các công việc đều rất gấp, do nhiệm vụ tới bất ngờ, phải chuyển đổi ngay, do đó mà anh em chúng tôi phải “cày” ngày đêm. Các hệ thống đều có quy mô toàn quốc, vận hành cơ sở dữ liệu lớn nên vấn đề chuẩn bị hạ tầng và đảm bảo an toàn thông tin cũng rất thách thức trong điều kiện phải làm trong thời gian ngắn”, Giám đốc CNTT Vietnam Post Vũ Kiêm Văn chia sẻ.
Dù vậy, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp bưu chính đã làm được những việc tưởng chừng không thể. “Đây là những sản phẩm số được đánh giá là theo đúng theo chủ trương của Bộ TT&TT về việc chú trọng triển khai ứng dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ số nhằm hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ dịch Covid-19”, ông Vũ Chí Kiên Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT nhận xét.
Cũng theo ông Vũ Chí Kiên, “lựa chọn công nghệ là đòn bẩy cho chuyển đổi số, Chỉ thị số 16/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT thể hiển quyết tâm toàn ngành TT&TT đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triển khai Chỉ thị 16, các doanh nghiệp bưu chính lớn đã chủ động phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số hỗ trợ xây dựng cuộc sống số đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường ngày của người dân tại nhà, duy trì hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ thiết yếu cho người dân”.