Như Thanh Niên thông tin, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 17 của HĐND TP.HCM hôm 16.7, khi trả lời đại biểu về giải pháp xử lý tin giả, xấu độc trên mạng, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, đề nghị cần có quy định tài khoản mạng xã hội (MXH) đã được định danh mới được bình luận. Định danh tài khoản là chủ sở hữu tài khoản sẽ phải cung cấp thông tin của bản thân, như: tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân nhằm chứng minh danh tính của mình.
Phân tích sâu hơn về thực trạng tin giả, ông Thắng cho biết thông tin trên MXH được cung cấp bởi 2 nguồn: các trang mạng trong nước có nguồn gốc rõ ràng được cấp giấy phép và các trang mạng không rõ nguồn gốc, nền tảng xuyên biên giới được nhiều người dùng như Facebook, YouTube, TikTok. Hiện phần lớn tin giả lan truyền trên các MXH này của nước ngoài. Điểm chung của các MXH này là chưa có đại diện pháp lý tại VN, sử dụng tên miền quốc tế, máy chủ đặt ở nước ngoài. Khi cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ thì các doanh nghiệp né tránh.
Về nguyên do chủ quan, ông Thắng cho rằng việc phối hợp của cơ quan chức năng để xác định thông tin giả hiện không chặt chẽ và chưa kịp thời. Do vậy, cần có quy định trách nhiệm các bộ, ngành xác định tin giả, xấu độc, nhất là phải có người chủ trì kết luận tin giả và người phát ngôn.
Đối với TP.HCM, Giám đốc Sở TT-TT cho biết đang tham mưu thành lập Trung tâm xử lý tin giả và quy chế phối hợp giữa các sở ngành, địa phương nhằm xác định quy trình, thời gian xử lý, trách nhiệm của từng bộ phận. Ông Thắng cũng kiến nghị điều chỉnh quy định theo hướng tài khoản trên MXH phải định danh mới được bình luận, bao gồm các tài khoản xuyên biên giới.
Tăng trách nhiệm người dùng
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng đây là giải pháp cần thiết để kiểm soát thông tin xấu độc và hành vi tiêu cực trên mạng. "Hoàn toàn ủng hộ đề xuất phải định danh đầy đủ tài khoản MXH trước khi đăng bài, bình luận hay phát trực tiếp. Quy định này sẽ giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng với nội dung họ chia sẻ, đồng thời khuyến khích mọi người cân nhắc kỹ lưỡng và sử dụng ngôn từ phù hợp trước khi đăng tải thông tin lên MXH. Hy vọng rằng nếu được thông qua, quy định này sẽ góp phần xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, văn minh và tích cực hơn", BĐ Thái Bảo ủng hộ.
Cùng quan điểm, BĐ Thanh Trần ý kiến: "Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, nên triển khai ngay và luôn. Đây là một giải pháp cần thiết để giải quyết tình trạng nhiều người dùng ẩn danh lợi dụng không gian mạng để lăng mạ, chửi bới, tuyên truyền thông tin độc hại mà không phải chịu trách nhiệm".
Còn BĐ Linh Nguyễn viết: "MXH hiện nay tràn lan quá nhiều thông tin "rác", gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và nhận thức của giới trẻ. Cần thiết phải có thêm các quy định xử lý nghiêm minh hơn đối với những hành vi vi phạm".
"Nếu làm được việc này thì chắc chắn các thông tin sai lệch và hành vi tiêu cực sẽ giảm đáng kể trên không gian mạng. Việc ẩn danh trên MXH đã tạo điều kiện cho các hành vi như phát tán tin giả, lừa đảo, xúc phạm, bôi nhọ người khác... Định danh có thể giúp truy cứu trách nhiệm, từ đó răn đe và giảm thiểu các hành vi này. Ngoài ra, khi biết mình không còn ẩn danh, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc đăng tải thông tin và bình luận, góp phần xây dựng một môi trường mạng văn minh hơn", BĐ Thúy Quỳnh ý kiến.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Dù ủng hộ, nhưng BĐ Vy Nguyen cũng băn khoăn: "Theo tôi, đây là giải pháp đúng đắn, không chỉ giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng mà còn góp phần nâng cao dân trí chung của cộng đồng. Tuy nhiên, việc định danh hàng triệu tài khoản là một thách thức lớn về mặt kỹ thuật và chi phí. Chưa kể, việc kiểm soát các tài khoản giả mạo và tài khoản từ nước ngoài cũng không hề đơn giản với trình độ kỹ thuật của chúng ta hiện nay".
Tương tự, BĐ Nguyễn Quyên ý kiến: "Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này để qua đó ngăn chặn những thông tin xấu ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, cần có biện pháp bảo mật thông tin cá nhân khi thực hiện định danh. Ngoài ra, thay vì tập trung vào định danh, tôi cho rằng nên tăng nặng mức phạt với các hành vi vi phạm trên MXH, ít nhất từ 100 - 200 triệu đồng. Mức phạt hiện tại quá nhẹ, không đủ sức răn đe những hành vi câu like, câu view bất chấp bằng mọi giá".
BĐ Xuân Nam cho rằng giải pháp định danh tài khoản MXH không phải là "cây đũa thần" có thể giải quyết trọn vẹn các vấn đề trên không gian mạng hiện nay. "Xây dựng môi trường mạng lành mạnh không chỉ đơn thuần là áp dụng giải pháp duy nhất, mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều yếu tố. Cụ thể, cần đẩy mạnh giáo dục để nâng cao nhận thức người dùng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến an ninh mạng, đồng thời không ngừng phát triển công nghệ để phát hiện và ngăn chặn thông tin độc hại, song song với việc đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng", BĐ này ý kiến thêm.
Ủng hộ hoàn toàn. Tuy nhiên chỉ nên xác định bằng số CCCD và OTP qua số điện thoại chính chủ, không nên bắt chụp hình CCCD vì dễ lộ thông tin cá nhân và do nhiều điện thoại đã cũ chụp hình bị lỗi.
Van Dong
Đây là giải pháp cần thiết để loại bỏ những tài khoản ảo chuyên đi bôi nhọ, lăng mạ người khác, hay tạo tin giả gây tổn hại nghiêm trọng. Cần có những hình phạt thật nặng để răn đe những hành vi này. Chỉ có như vậy mới có thể làm sạch môi trường MXH.
Nhật Hiền