Hà Nội: Nhiều cơ chế tạo đà phát triển kinh tế nông thôn
Để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 08/KH-UB, ngày 07/01/2022 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của TP. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp sẽ được giới thiệu lên sàn TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển các kênh xúc tiến TMĐT và thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng. Đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh TMĐT góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Nam Định: Hỗ trợ đưa nông sản lên tiêu thụ trên sàn TMĐT
Đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở, hộ nông dân đưa nông sản tiêu thụ trên sàn giao dịch TMĐT là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành NN và PTNT cũng như kế hoạch phát triển kinh tế số của tỉnh Nam Định. Từ năm 2021, ngành TT&TT, NN&PTNT Nam Đinh đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sànTMĐT Voso.vn và Postmart.vn nhằm kết nối các nhà cung ứng và các sản phẩm trong tỉnh với các khách hàng ở trong, ngoài nước.
Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh có trên 1.700 hộ dân với gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp đã tham gia sàn TMĐT Voso.vn và Postmart.vn. Ngoài ra các cơ sở sản xuất đã tiếp cận khai thác các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook và các sàn thương mại lớn khác làm kênh mua bán nông sản, góp phần mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại, bền vững thông qua nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Yên Bái: Đưa sản phẩm của người dân đến tay người tiêu dùng qua sàn TMĐT
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã triển khai hỗ trợ 20 doanh nghiệp xây dựng gian hàng trên sàn giao dịch TMĐT như: Sendo, Lazada, Shopee. Đến nay đã có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm OCOP được chào bán trên sàn TMĐT. Việc đưa hàng hóa lên sàn giao dịch TMĐT đã mang đến nhiều kết quả tích cực góp phần mở rộng kênh phân phối cho các doanh nghiệp, hơp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm giúp bà con xóa đói gảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, TP thông minh của tỉnh Bình Dương đang có những chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, như: Chỉ số PAPI 2 năm liền xếp hạng 2/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng SIPAS xếp hạng 4/63 tỉnh, thành và 3 năm liên tiếp được vinh danh về chiến lược xây dựng TP thông minh. Tỉnh Bình Dương đặt ra chỉ tiêu, trong quý IV/2023 nâng tỷ lệ dịch vụ trực tuyến toàn trình và một phần cấp tỉnh 80%, cấp huyện 60%, cấp xã 60% vào cuối năm 2023.
Ngày 24/10, Sở TT&TT phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình năm 2023”
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên đề về: Giải pháp nền tảng số thúc đẩy doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình chuyển đổi số; giải pháp số cho doanh nghiệp; chuyển đổi số trong công tác vận hành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển ứng dụng dữ liệu trong chuyển đổi số doanh nghiệp cùng các giải pháp của Dell Technologies,..
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chuyển đổi số là một hành trình không có điểm dừng, doanh nghiệp phải không ngừng cập nhật, đổi mới, cải tiến và chấp nhận cái mới để bắt kịp xu hướng thời đại. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần có tư duy đột phá, chiến lược dài hạn cho quá trình chuyển đổi số trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả quản lý, sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu. Quá trình chuyển đổi số gồm ba yếu tố chính: Nhận thức, kỹ năng và công nghệ. Cả ba yếu tố này đều xoay quanh nền tảng số.
Bước tiến ngoạn mục trong chuyển đổi số ở Sóc Trăng
Theo Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng, xếp hạng về chuyển đổi số của tỉnh còn thấp (xếp thứ 56/63 tỉnh, thành); số lượng văn bản tham mưu thực hiện CĐS rất nhiều nhưng cán bộ tham mưu có trình độ chuyên ngành CNTT ít, thậm chí có nơi không có hoặc có thì không đáp ứng yêu cầu tham mưu dẫn đến việc chậm rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CĐS.
Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh, trình Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết về CĐS tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở cho các cấp, các ngành thực hiện, phấn đấu. Đây kim chỉ nam cho hoạt động CĐS, là định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện CĐS với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt là việc phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP thành lập và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ CNSCĐ đến các ấp trên địa bàn. Theo ông Hạnh, toàn tỉnh đã thành lập mỗi khóm, ấp 1 tổ CNSCĐ; với 775 tổ/775 khóm, ấp, đạt tỷ lệ 100%, có 5.045 thành viên có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Với cách làm chủ động, sáng tạo được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, CĐS ở Sóc Trăng đã gặt hái được những thành công ấn tượng.
Quảng Ngãi: Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Là địa phương xử lý số lượng hồ sơ TTHC nhiều nhất tỉnh, TP.Quảng Ngãi tập trung đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.TP.Quảng Ngãi đã triển khai sử dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung, sử dụng ioffice. Trên 90% văn bản sử dụng chữ ký số, sử dụng các phần mềm chuyên ngành, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. UBND TP.Quảng Ngãi đã chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa trên các lĩnh vực theo quy định. Đồng thời, tăng cường giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC được thuận lợi hơn.
Mô hình 'Chợ 4.0' hướng tới chuyển đổi số
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, mới mẻ, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phục vụ người dân tốt hơn. Những ngày này, ngang qua địa phận thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, mọi người đều ngỡ ngàng khi thấy bảng hiệu “Chợ Phù Cát - Chợ 4.0 xin chào” treo ngay ngắn trên cổng chính ra vào chợ. Tại đây, hơn 1 tháng qua, tiểu thương lẫn người dân đã dần quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thông tin, chuyển đổi số bao gồm rất nhiều nội dung. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, UBND huyện đặc biệt quan tâm tới ứng dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, điển hình là “Chợ 4.0”. Để mô hình ổn định, bền vững, UBND huyện đã lắp đặt hệ thống wifi miễn phí và giao cho Ban Quản lý chợ đảm đương việc duy trì hoạt động và phối hợp với ngân hàng, các đơn vị liên quan lắp đặt mã QR tại gian hàng của các hộ tiểu thương. Đánh giá ban đầu, phần lớn người dân đều bày tỏ sự hài lòng. Thời gian tới, UBND huyện sẽ khảo sát, lựa chọn thêm nhiều địa điểm khác để nhân rộng mô hình ra toàn huyện.
Bắc Kạn tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức nâng cao kỹ năng số cho người dân
Từ ngày 16-18/10, Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới và Ngân Sơn tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến kiến thức nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn năm 2023 cho các Chủ thể OCOP, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Buổi tập huấn tập trung cung cấp nội dung tổng thể về chuyển đổi số cho đối tượng là người dân nông thôn tại 3 huyện. Thông qua đó, các học viên được phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cũng như kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng di động, nền tảng số, dịch vụ trực tuyến trên mạng Internet.
Chiều 24/10, Báo Hànộimới tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013. Các đại biểu đã có nhiều đóng góp làm rõ thêm các nội dung liên quan đến việc sáp nhập các cơ quan báo chí, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí; việc cấp thẻ nhà báo; quy định về thời gian trả lời của các cơ quan chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp... với các yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan báo chí...
Hỗ trợ báo chí chuyển đổi số
Mục tiêu của Chính phủ đối với báo chí Việt Nam là đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Ở cấp địa phương, ngày 17/10, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP.
UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành liên quan hỗ trợ các cơ quan báo chí TP HCM trong quá trình CĐS. Trong đó, Sở TT&TT triển khai các nền tảng số do Bộ TT&TT phát triển hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS; phối hợp với các đơn vị kết nối doanh nghiệp công nghệ số với các cơ quan báo chí; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực của các cơ quan báo chí nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình CĐS của các cơ quan báo chí của TP.
Để báo chí phát huy vai trò của kênh truyền thông chủ đạo, dẫn dắt
Theo bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh, để báo chí phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong truyền thông chính sách, Quảng Ninh xác định cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và các cơ quan báo chí. Trong đó, các cơ quan ban hành chính sách phải chủ động kết nối với các cơ quan báo chí, bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. Có như vậy, các cơ quan báo chí mới phát huy tốt vai trò của kênh truyền thông chủ đạo, dẫn dắt./.