Hiện nay, cả nước có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình (Đài PTTH).
Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, với quan điểm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt các Đài PTTH lớn đã tuyên truyền chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả cao đối với những vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức, định hướng dư luận, tạo niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; góp phần phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội và xây dựng con người Việt Nam và đáp ứng các giá trị thụ hưởng văn hóa của nhân dân.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí, Đài PTTH không ngừng nâng cao chất lượng các nội dung chương trình về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như các tin, bài, chương trình thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, kết quả xử lý các loại tội phạm. Trong đó có nhiều Báo, Đài đã thực hiện mới các chuyên mục, chương trình có nội dung về vấn đề này, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân trong việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện và phát sóng trên 300 tin, bài, phóng sự về kết quả xử lý các loại tội phạm; gần 50 tin, bài, phóng sự về công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước. Một số chương trình nổi bật như: Tọa đàm "Toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung", Tọa đàm "Quy định 144 - Thước đo, đánh giá cán bộ, đảng viên"; Chương trình Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Vì an ninh tổ quốc, An ninh và cuộc sống, Mặt trận 389, Vì bình yên cuộc sống…
Trên một số kênh truyền hình thiết yếu Quốc gia và kênh truyền hình thiết yếu địa phương có chương trình, chuyên đề về phòng, chống tham nhũng được khán giả đánh giá cao như trên kênh Truyền hình Công an nhân dân phát sóng chuyên đề "Nhận thức rõ hơn về những luận điệu xuyên tạc về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam"; trên kênh Truyền hình Quốc hội phát sóng chuyên đề "Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới" và tuyến tin, bài về "Nhận diện tội phạm"…; trên kênh truyền hình của Đài VTC phát sóng chuyên đề "Cần sự "đột biến" trong phòng, chống tham nhũng"; trên kênh truyền hình của Đài PTTH Hà Nội tuyên truyền về tác phẩm (sách) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Các cơ quan báo, tạp chí điện tử đã có 27.197 tin, bài thông tin về kết quả xử lý các loại tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước được thông tin rộng rãi.
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường đưa tin, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phát sóng về kết quả xử lý các loại tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, chỉ đạo các Đài PTTH tăng cường đưa tin trên các kênh mạng xã hội, trên Internet để tăng cường tiếp cận với các tầng lớp nhân dân nhanh chóng, kịp thời.