Mới đây, cử tri tỉnh Nam Định đã gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính. Theo đó, cử tri cho biết, hoạt động thẩm định giá nhà nước gặp khó khăn trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin thẩm định giá do một số hàng hóa không thông dụng trên thị trường nên ít có thông tin để xác định giá. Một số loại hàng hóa có trên cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành nhưng lại không đầy đủ thông số kỹ thuật của sản phẩm nên việc so sánh để xác định giá hàng hóa không đảm bảo chính xác.
Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động thẩm định giá nhà nước, cử tri đề nghị Bộ Tài chính cho phép chia sẻ thông tin về hoạt động thẩm định giá nhà nước giữa các tỉnh, thành phố trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giá; đồng thời tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường hoạt động kê khai giá đối với các mặt hàng theo quy định của Luật Giá và pháp luật chuyên ngành, đặc biệt đối với trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao.
Phản hồi ý kiến cử tri, Bộ Tài chính cho biết, hiện tại đã có các quy định về việc chia sẻ thông tin dữ liệu giá, trong đó bao gồm thông tin về hoạt động thẩm định giá nhà nước. Cụ thể, về trách nhiệm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Theo đó, bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm xây dựng, khai thác và quản lý vận hành cơ sở dữ liệu về giá thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; phối hợp với Bộ Tài chính kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin thuộc cơ sở dữ liệu về giá trong phạm vi quản lý của bộ quản lý ngành, lĩnh vực vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng, khai thác và quản lý vận hành cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương; phối hợp với đơn vị quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá để kết nối, chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Về phía Bộ Tài chính, hiện tại, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đã hoàn thành Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá giai đoạn I” và đang thực hiện Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá giai đoạn 2"; đồng thời Bộ cũng đang xây dựng Quy chế sử dụng, vận hành, khai thác hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 12/2021/ND-CP ngày 24/2/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá, cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm gửi 01 bản sao báo cáo kết quả thẩm định giá hoặc kết luận thẩm định giá tài sản qua đường công văn, fax hoặc hệ thống báo cáo điện tử về Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá trị trường hợp tài sản thuộc danh mục tài sản bí mật nhà nước.
Về khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, Bộ Tài chính cho biết, Điều 10 Thông tư số 142/2015/TT-BTC ngày 4/9/2015 của Bộ Tài chính quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, các hình thức khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá gồm: qua mạng internet về giá; qua Cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; qua mạng chuyên dùng; qua yêu cầu bằng văn bản, hợp đồng giữa cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và bên khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Dữ liệu quốc gia và Dịch vụ về giá (Cục Quản lý giá) là đầu mối chủ trì quản lý, khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá nhằm cung cấp thông tin về giá phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Các cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu về giá và Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp, cập nhật thông tin về giá phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được phân quyền khai thác, sử dụng dữ liệu về giá thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Việc khai thác dữ liệu về giá ngoài phạm vi quản lý phải được cơ quan quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá cho phép và phải trả chi phí (nếu có).
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 93/2021/TT-BTC ngày 1/11/2021 về việc quy định cấu trúc, định dạng dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Trong đó, quy định về cấu trúc và định dạng dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá với các hệ thống cơ sở dữ liệu về giá của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khác.
Về kiến nghị liên quan đến kê khai giá, Bộ Tài chính thông tin, từ đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, trong đó có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường hoạt động tiếp nhận, rà soát kê khai giá theo quy định tại Luật Giá và pháp luật chuyên ngành.
Riêng đối với trang thiết bị y tế, theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế thì trang thiết bị y tế thực hiện kê khai giá với Bộ Y tế. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; trong đó quy định về Bảng kê khai giá trang thiết bị y tế; Bảng cập nhật giá trang thiết bị y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định chi tiết thi hành và biện pháp thực hiện một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó dự kiến có quy định chi tiết về việc thực hiện kê khai giá cho phù hợp với mục tiêu tăng cường hoạt động kê khai giá.