Đắk Lắk: Thúc đẩy hợp tác xã chuyển đổi số

Thứ tư, 21/08/2024 17:10

Xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, các HTX trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Một lợi thế trong công tác chuyển đổi số hiện nay đó là trình độ cán bộ quản lý HTX đã được nâng cao. Đặc biệt, các đối tượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp về hưu đang có xu hướng quan tâm và tham gia thành lập, quản lý HTX.

img

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Du lịch ROFC (huyện Krông Năng) chú trọng ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các HTX đã nhận thức sâu sắc hơn việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đơn cử, các HTX nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sấy nông sản bằng lò sấy trống, sấy thăng hoa, chế biến cà phê chất lượng cao… Trong khi đó, các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có chiều hướng tích cực đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, chuyển phương án sản xuất - kinh doanh - dịch vụ từ đơn ngành sang kinh doanh tổng hợp. Song song với việc hiện đại hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, các HTX hiện nay còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Huỳnh Bài cho biết, nhằm thúc đẩy HTX chuyển đổi số, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, HTX với các thành viên HTX trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giới thiệu 4 HTX tham gia dự án “Thanh niên trong HTX là chủ thể chuyển đổi số tại địa phương” của Liên minh HTX Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và kết nối mạng lưới thanh niên trong chuyển đổi số tại địa phương.

Một trong những đơn vị được Liên minh HTX tỉnh giới thiệu tham gia dự án “Thanh niên trong HTX là chủ thể chuyển đổi số tại địa phương” là HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Tân Hòa (huyện Buôn Đôn). Ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Tân Hòa cho hay, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Ban quản lý HTX đã tập trung xây dựng một HTX nông nghiệp có quy mô, tập trung và hiện đại, được quản lý bằng công nghệ. Tuy mới thành lập nhưng với ưu thế 60% nhân lực là những người trẻ nên HTX thường xuyên cập nhật các xu hướng mới trong sản xuất, bán hàng; áp dụng công nghệ số vào quá trình quản trị và điều hành. Cụ thể, hiện nay HTX đã áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) vào việc viết bài, làm video quảng cáo sản phẩm của mình để chia sẻ trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Shopee, Nông sản Đắk Lắk, Lazada, VDONE… Dự kiến năm 2026 – 2027, HTX sẽ dán tem mã định danh từng cây, xây dựng vườn nhãn hữu cơ, gắn camera, chíp điện tử để người dùng có thể trực tiếp xem và đặt mua trước. Đồng thời, giúp HTX có thể theo dõi quá trình sinh trưởng của sản phẩm trên toàn diện tích của mình.

img

Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ thành viên các hợp tác xã tập huấn livetream bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Còn đối với HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC (huyện Krông Năng), việc chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn do chỉ có 30% đội ngũ là nhân sự trẻ, hầu hết là nông dân. Tuy vậy, HTX này cũng đã tích cực tìm hiểu và từng bước áp dụng công nghệ số vào sản xuất, quảng bá sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Đại Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC cho biết, HTX có 12 xã viên, 70 thành viên liên kết, với tổng diện tích 200 ha gồm: sầu riêng, cà phê, mắc ca... nhưng mạnh ai nấy làm, quy mô nhỏ lẻ. Do đó, Ban quản lý đã tập trung tuyên truyền, làm gương để các thành viên thay đổi thói quen từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát qua phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng. Đồng thời, HTX theo dõi các loại cây giống, quy trình chăm sóc mới của Trung tâm Giống cây trồng Eakmat Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) để vận động thành viên HTX áp dụng, làm theo. Nhờ vậy, hiện nay sản phẩm cà phê của HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được nhiều chuỗi cửa hàng cà phê tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa… thu mua với giá cao hơn thị trường. Được xã viên tin tưởng, HTX mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào trang thiết bị, máy móc, kho bãi để chuyên nghiệp hóa dây chuyền sản xuất. Cùng với đó, xây dựng hệ thống quảng bá sản phẩm qua các chương trình xúc tiến thương mại hay trên sàn thương mại điện tử như Facebook, Zalo, Shopee… Tiến tới ứng dụng công nghệ số trong sản xuất các sản phẩm của HTX như kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm do HTX làm ra.

Những nỗ lực chuyển đổi số trên đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho các HTX. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số vào quảng bá sản phẩm đã mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân, nhất là xuất khẩu nông sản ra nước ngoài.

theo baodaklak.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top