Đà Nẵng ứng dụng hiệu quả tổng đài 1022 trong tiếp nhận, giải quyết thông tin từ người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của TP Đà Nẵng. Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định năm lĩnh vực ưu tiên phát triển của Đà Nẵng, trong đó có một lĩnh vực gắn với triển khai chuyển đổi số, đó là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ TP Đà Nẵng cũng xác định, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và CNTT, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh. Dự thảo Đề án chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Đến năm 2025, thuộc nhóm năm địa phương trong cả nước dẫn đầu về chuyển đổi số và nhóm ba địa phương dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử. Đến năm 2030, thuộc nhóm năm địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và nhóm ba địa phương dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử, duy trì hoặc tăng kết quả thực hiện các mục tiêu của giai đoạn trước. Đà Nẵng sẽ triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý điều hành; phát triển kinh tế số và tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ưu tiên: y tế; giáo dục; tài chính ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics. Hiện tại, Đà Nẵng đã thành lập hội đồng chuyên gia tư vấn chuyển đổi số.
Thuận lợi đối với Đà Nẵng để triển khai chuyển đổi số là kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử và hai năm triển khai thành phố thông minh, với nền công nghiệp CNTT đã dần hình thành. Hạ tầng viễn thông, CNTT đã được thành phố đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến, theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới. Người dân thành phố bước đầu hình thành thói quen tiếp cận sử dụng dịch vụ trực tuyến, trung bình có hai doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân; tỷ lệ hộ gia đình có in-tơ-nét băng rộng gần 92%, sử dụng điện thoại di động thông minh hơn 91%. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh phân tích, hiện nay, nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số của các nước khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của mỗi nước. Tại TP Đà Nẵng, sẽ tập trung ba trụ cột chính cho quá trình chuyển đổi số của địa phương, đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố sẽ thực hiện chính quyền số bao gồm cả các cơ quan đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội. Đối với kinh tế số, tiếp cận theo khái niệm kinh tế số ở phạm vi rộng, bao gồm ngành công nghiệp thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN. Thành phố xác định quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số.
Mới đây, tại hội thảo góp ý dự thảo Đề án chuyển đổi số của TP Đà Nẵng, nhiều chuyên gia cho rằng, TP Đà Nẵng nên nắm bắt thời cơ và tận dụng tối đa nguồn lực để chuyển đổi số. Muốn triển khai hiệu quả, cần nguồn dữ liệu chuẩn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn chưa được xây dựng. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, Đà Nẵng là địa phương tiềm năng nhất Việt Nam để thực hiện chuyển đổi số nhờ mức độ sẵn sàng cao, được tích lũy sau quá trình nỗ lực lâu dài, quy mô dân số lý tưởng, bộ máy lãnh đạo và đội ngũ thực thi hiệu quả. Năm 2021, Đà Nẵng cần đạt mục tiêu 100% số dịch vụ hành chính công ở mức độ 4, chủ động cung cấp dịch vụ công cá nhân hóa cho người dân, doanh nghiệp; chỉ yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu một lần duy nhất cho các dịch vụ công.
PGS, TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh, sự khác biệt của TP Đà Nẵng chính là tinh thần quyết tâm của lãnh đạo và người dân. Để triển khai chuyển đổi số, Đà Nẵng cần xây dựng các chương trình chuyển đổi số cụ thể ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng xã, phường. TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung đầu tư vào hai nội dung trọng điểm là chính quyền số và kinh tế số. Từ đó, sẽ tập trung vào vấn đề chuyển đổi số dịch vụ công và doanh nghiệp. Đề án nên có một mục dành riêng cho chuyển đổi số doanh nghiệp. Doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì mục tiêu chung của chuyển đổi số mới đạt được. Đà Nẵng cần hỗ trợ kinh phí xây dựng nhóm doanh nghiệp chủ lực về chuyển đổi số, sau đó, nhóm chủ lực này sẽ lan tỏa, hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ trong chuyển đổi số. Để triển khai hiệu quả Đề án chuyển đổi số, Đà Nẵng sẽ cần một nguồn lực tài chính khá lớn, vì vậy, thành phố cần tham khảo các nền tảng của Trung ương dùng chung cho nhiều địa phương trước khi xây dựng cho riêng thành phố nhằm tiết kiệm nguồn lực. Cần tập hợp một đội ngũ doanh nghiệp chủ lực sử dụng tốt nhất các nền tảng do Nhà nước xây dựng, từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng hướng theo. Đề án cũng cần xây dựng một mục dành riêng cho đào tạo nhân lực để có sự chủ động về nguồn nhân lực.