Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đã tham dự sự kiện.
Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước tiến hành rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực ở cấp Trung ương theo trật tự nhất định với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển. Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, Bộ pháp điển Việt Nam cơ bản đã hoàn thành.
Bộ pháp điển Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) và được khai thác, sử dụng miễn phí, góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Đây là Cổng thông tin điện tử đăng tải Bộ pháp điển chính thức do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.
Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 09 nghìn văn bản QPPL đang còn hiệu lực của cấp trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản được pháp điển vào mỗi đề mục.
Với cách pháp điển như trên, Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật, qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và trình độ pháp lý của người dân ngày càng được nâng cao.
Về cơ bản, Bộ pháp điển có cấu trúc hợp lý, khoa học và bảo đảm tính logic; việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi. Bước đầu, Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Cho đến nay đã có gần 2 triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trung bình mỗi một ngày có khoảng gần 5 nghìn lượt truy cập.
Việc xây dựng Bộ pháp điển đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như góp phần vào việc áp dụng và thi hành pháp luật được hiệu quả.
Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp cũng đã tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023; Công bố và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 – 2023./.