Tỉnh Bắc Giang xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội.
Triển khai thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia 2 sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ; hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử). Đồng thời, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử..., thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Riêng đối với vải thiều, ngay từ đầu vụ, tỉnh tổ chức giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có, đề nghị cấp mã số vùng trồng mới. Hiện nay toàn tỉnh đã cấp 149 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; 34 mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Nhật Bản; 18 mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Mỹ, Úc; 2 mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Thái Lan với gần 16.400 ha.
Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên “Gian hàng Việt trực tuyến” và các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, zalo...
Về kết quả thu được, đã có trên 10.500 tấn vải được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước Châu Âu qua sàn thương mại điện tử đã đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh trong 2 năm dịch bệnh COVID-19.
Lan tỏa từ sự thành công của vụ vải thiều, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của Bắc Giang cũng được ứng dụng triệt để số hóa trong kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, địa phương đã có trên 113.670 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nhiều mặt hàng nông sản và 180 sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn...
Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian tới, Bắc Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ các cấp và người dân. Đồng thời, kiến nghị địa phương tham gia các dự án ưu tiên triển khai của Bộ NN&PTNT trong thực hiện chuyển đổi số…