CĐS là động lực cho phát triển
Theo báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội của Lào Cai, những năm qua tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lựa chọn 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá, đó là đột phá về kết cấu hạ tầng (trong đó có đột phá về hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng số) và đột phá về phát triển du lịch. Tỉnh đã ban hành Đề án 08-ĐA/TU về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết 20-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Lào Cai đã thành lập 1.556 Tổ công nghệ số cộng đồng; với nền tảng cửa khẩu số, đã thực hiện đầu tư hạ tầng thiết bị và hoàn chỉnh các hạng mục phục vụ công tác phân luồng tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan liên quan; nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh triển khai tích hợp 29 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch cũng được triển khai; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển. Lào Cai cũng đang triển khai các dự án về thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Vấn đề an toàn, bảo mật thông tin ngày càng được quan tâm thực hiện...
Nhiều kỳ vọng từ chuyển đổi số
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại những cơ hội to lớn cho sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Tỉnh xem chuyển đổi số như là một giải pháp thiết thực hướng đến cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, theo xu hướng sẽ sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Chuyển đổi số là công cụ để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính thực chất để phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Từ đó làm thay đổi chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, nâng chỉ số hạnh phúc.
Một trong những lĩnh vực mà tỉnh Lào Cai xác định là khâu đột phá để tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo là phát triển hạ tầng (trong đó có hạ tầng số); xây dựng chính quyền điện tử, cửa khẩu thông minh, đô thị thông minh, từng bước chuyển đổi số, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, kinh tế xanh và xã hội số gắn với thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông, đồng bộ…
Tuy nhiên, tỉnh đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai chuyển đổi số như thiếu nguồn lực và nhân lực, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, nhận thức của người dân còn hạn chế, các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và đa dạng… Điều này đòi hỏi phải có quyết tâm cao độ để vượt qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn đồng chí Bộ trưởng và các chuyên gia tư vấn những giải pháp, định hướng để tỉnh Lào Cai có thể khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Đồng thời nhấn mạnh một số vần đề và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, hỗ trợ tỉnh Lào Cai, như định hướng chuyển đổi số toàn diện cả 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; xác định các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển: Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế; xây dựng cửa khẩu thông minh, đô thị thông minh; xây dựng hệ thống thông tin có tích hợp bản đồ số để chia sẻ dữ liệu hạ tầng, mạng lưới của các doanh nghiệp, cập nhật và ứng dụng công nghệ AI phục vụ dự báo và ứng phó với thiên tai; đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cho tỉnh…
Tạo đột phá từ chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã nêu một số gợi ý cho Lào Cai để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số liên quan đến 7 thành phần cơ bản của khung chuyển đổi số cấp tỉnh.
Về thể chế, Bộ TT&TT gợi ý Lào Cai bám sát hướng dẫn của Bộ, xây dựng, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 của địa phương; ưu tiên ứng dụng công nghệ số đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành của địa phương lên môi trường số, dựa trên dữ liệu; triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số của cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số để cải thiện chỉ số DTI (Bộ chỉ số chuyển đổi số), đặc biệt lưu ý các chỉ số còn hạn chế như hạ tầng số, an toàn thông tin và kinh tế số.
Về hạ tầng số, gợi ý tỉnh Lào Cai xây dựng và phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động để đảm bảo phát triển hạ tầng viễn thông thuận lợi, an toàn và bảo vệ cảnh quan, môi trường; đầu tư hạ tầng cáp quang, di động, trung tâm dữ liệu, hạ tầng IoT; phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ, trọng tâm là các nền tảng như định danh số, xác thực số, thanh toán số và hóa đơn số, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, xác thực văn bản số, chữ ký số và chứng thực chữ ký số...
Giải bài toán "thiên niên kỷ" nhờ chuyển đổi số
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, những trăn trở của Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai là những bài toán thiên niên kỷ chưa giải được. Tuy nhiên, với chuyển đổi số, các bài toán trên sẽ có lời giải.
Đầu tiên là bài toán giảm nghèo bền vững. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỉnh Lào Cai cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp để chung tay giải quyết vấn đề này bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, đối với doanh nghiệp, sau lợi nhuận thu được là trách nhiệm với xã hội.
Để nông dân thoát nghèo và làm giàu nhờ chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Lào Cai có thể tham khảo một số tỉnh đã triển khai rất tốt ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp như Thái Nguyên (truy xuất nguồn gốc từng cây chè); mỗi loại nông sản cần được xây dựng thương hiệu riêng biệt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kết hợp với sàn thương mại điện tử và hệ thống giao hàng có thể kết nối nông dân với thị trường...
Đối với bài toán chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Lào Cai có thể giải quyết bằng công nghệ số. Bộ trưởng dẫn ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, hiện nay, các giáo viên giỏi đều không ở lại các vùng miền núi mà sẽ chọn các thành phố lớn. Có nhiều tỉnh đã tạo cơ chế chính sách, phúc lợi rất cao, thậm chí bố trí nhà ở nhưng cũng ít giáo viên gắn bó.
Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì tỉnh Lào Cai có thể thay đổi cách tiếp cận bằng cách tạo ra giáo viên bằng trợ lý ảo, giáo viên đứng lớp có nhiệm vụ quản lý, nhắc nhở, giải đáp và làm rõ thêm. Với cách làm trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Lào Cai sẽ có những giáo viên có trình độ rất giỏi.
Không riêng giáo dục, theo Bộ trưởng, các lĩnh vực khác đều có thể ứng dụng chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Một bài toán nữa mà trên thế giới cũng chưa nước nào giải được đó là về chất lượng cán bộ CCVC hiện nay chưa cao, theo Bộ trưởng đây cũng là bài toán thiên niên kỷ mà công nghệ số có thể giải được. Bộ trưởng viện dẫn, hiện nay có khoảng 200.000 văn bản trên các lĩnh vực khiến cán bộ công chức quá tải. Nhiều người sợ sai nên không dám triển khai.
Do đó, việc xây dựng và ứng dụng trợ lý ảo để giải quyết bài toán nêu trên thì quy trình thủ tục sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn. Khi trợ lý ảo đi vào vận hành, thì mỗi cán bộ công chức sẽ trở nên xuất sắc hơn và hiệu suất hoàn thành công việc tốt hơn, chính xác tuyệt đối.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì tỉnh Lào Cai cần quan tâm đầu tư hạ tầng số. Trong đó, hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng và được nhìn nhận là hạ tầng chiến lược, bên cạnh hạ tầng giao thông và hạ tầng điện.
* Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có buổi làm việc với Sở TT&TT tỉnh Lào Cai. Bộ trưởng đã giải đáp, gợi mở nhiều hướng đi, cách làm và định hướng cụ thể cho lãnh đạo, người lao động và doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Trong câu chuyện về chuyển đổi số thì ngữ cảnh là yếu tố quan trọng nhất. Lào Cai phải có cách tiếp cận, cách làm riêng thì mới mang lại hiệu quả và phải đặt mục tiêu cuối cùng là người dân được thụ hưởng.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Do đó, trước tiên, ngành thông tin và truyền thông cần thay đổi cách nghĩ, cách làm việc.
Về cách làm chuyển đổi số, Bộ trưởng gợi ý là hãy bắt đầu từ những việc nhỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số thì chuyển đổi là chính, chuyển đổi là 70, công nghệ là 30. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế, về thay đổi nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ./.