Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam không ngoài mục đích xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm là làm sao để báo chí khơi dậy được và thổi bùng lên khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Sự tăng trưởng của Internet nói riêng và công nghệ kỹ thuật nói chung, đã ngày càng thúc đẩy và làm đa dạng hóa nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, làm thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất. Tốc độ thông tin và việc kiểm soát thông tin của loại hình báo chí điện tử cần có công nghệ quản trị nội dung tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, các báo, tạp chí điện tử còn sử dụng các phương thức lan truyền thông tin đa dạng hơn so với các loại báo giấy truyền thống, vì vậy hạ tầng công nghệ không chỉ phục vụ việc lưu chiểu nội dung xuất bản thuần túy như báo giấy mà còn cần được hướng tới việc kiểm soát nội dung theo luồng lan truyền phát tán của tin tức, kết hợp với việc đánh giá về mức độ ảnh hưởng của tin tức hoặc nội dung đã phát tán đối với người xem nhằm đưa ra các định hướng kịp thời từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Bộ đã giao Cục Báo chí đầu tư đầu tư Dự án "Hệ thống lưu chiểu và phân tích dữ liệu báo chí, truyền thông quốc gia". Việc xây dựng Trung tâm lưu chiểu số có các công cụ phân tích, đánh giá tin bài của các cơ quan báo chí để nhìn thấy được các cơ quan báo chí có đang hoạt động theo tôn chỉ, mục đích hay không; xu thế chính trị của từng cơ quan báo chí như thế nào, công cụ rất quan trọng để quản lý báo chí trên môi trường số.
Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho Cục Báo chí phát triển một trợ lý ảo cho lĩnh vực báo chí, để giúp cho công tác quản lý báo chí bao quát hơn và hiệu quả hơn, giảm tải áp lực cho anh em, để họ tập trung nghiên cứu, tìm ra và đề xuất, tham mưu những chính sách, cơ chế, giải pháp hỗ trợ cho công tác chuyển đổi số báo chí tại các cơ quan báo chí.
Đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng thử nghiệm giải pháp công nghệ số để giám sát và báo cáo vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số Media Hub cho hơn 50 cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình đăng ký sử dụng thử nghiệm.
Tựu chung lại, báo chí hiện nay thay đổi từng ngày, nên đòi hỏi phải đưa ra những nhận thức mới trong công tác quản lý báo chí, phải dựa vào công nghệ.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí chuyển đổi số hiệu quả, cũng sẽ thúc đẩy, tạo động lực và hỗ trợ rất lớn đối với từng cơ quan báo chí trong tiến trình chuyển đổi số.
Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, đó là lần đầu tiên, lĩnh vực báo chí có một chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đó là Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức cho các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về chuyển đổi số; đưa ra định hướng lớn để báo chí đổi mới công nghệ, phát triển thị trường người đọc, nghe, xem, đảm bảo mục tiêu tuyên truyền.
Bộ cũng đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả. Tháng 12/2023, cũng là lần đầu tiên Bộ công bố mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí.
Các cơ quan báo chí hiện nay đã có những biến chuyển có đường nét hơn, nhận thức tốt hơn đối với việc chuyển đổi số. Không ít cơ quan báo chí đã tìm ra đường đi của riêng mình trong chuyển đổi số, dù mới chỉ là những viên gạch đầu tiên. Nhận thức, tư duy chuyển đổi số cũng đã "ngấm" dần vào mỗi cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cũng vẫn cần khách quan mà nhìn nhận rằng, công tác chuyển đổi số ở phần đông các cơ quan báo chí còn rất nhiều việc phải làm khi sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối đã và đang tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí, cũng như các nhà báo. AI và công nghệ có thể trở thành trợ lý ảo cho báo chí nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những nguy cơ tin giả, tin sai lệch do AI và các công nghệ số khác tạo ra, thách thức bị sử dụng trái phép vốn dữ liệu, bản quyền báo chí trên môi trường số. Điều này buộc báo chí phải tìm ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh bảo vệ bản quyền đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, xuyên tác, sai lệch, để thông tin báo chí trở thành dòng chảy chủ lưu trên không gian số.
Công bố mức độ trưởng đổi số năm 2023 cho thấy nhiều cơ quan báo chí ở mức độ trưởng thành chuyển đổi số yếu (63%). Con số này chưa phản ánh tất cả, nhưng cũng là báo hiệu để chúng ta thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, để mỗi năm, mỗi giai đoạn, % cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức Tốt, mức Xuất sắc tăng lên, đồng nghĩa với % mà cơ quan báo chí chuyển đổi số còn yếu sẽ giảm dần xuống. Nhiều cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức độ yếu có nguyên nhân: (i) Nhiều cơ quan chủ quản chưa quan tâm phê duyệt, ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí (25,27% cơ quan báo chí được chủ quản bố trí nguồn kinh phí chuyển đổi số); (ii) Lãnh đạo cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức triển khai chuyển đổi số (chỉ có 34,8% người đứng đầu cơ quan báo chí là người chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số; 43,59% cơ quan báo chí đã xây dựng kế hoạch/chương trình chuyển đổi số báo chí); (iii) Cơ quan báo chí chưa quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ số trong quản trị tòa soạn, sản xuất nội dung (chỉ có 12,82% ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình sản xuất nội dung để tối ưu hóa hoạt động; 16,72% có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung; 16,12% quan tâm đến việc nâng cao trải nghiệm cho độc giả.); (iv) Các cơ quan báo chí quy mô nhỏ (tạp chí văn học nghệ thuật, tạp chí khoa học) không có đủ nguồn lực (cả về nhân lực và vật lực) để triển khai chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí. Trong đó, mục tiêu ngay trong năm 2024 là số lượng cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức yếu, trung bình giảm từ 75% xuống 60%; ở mức khá, tốt từ 22% tăng lên 35%; ở mức xuất sắc từ 3,66% tăng lên 5%.
Cùng với đó, tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đẩy đủ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các cơ quan chủ quản báo chí bố trí các điều kiện (cả về nhân lực và vật lực) cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số. Bộ cũng sẽ tiến hành cập nhật Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; hướng dẫn cơ quan báo chí áp dụng Bộ Chỉ số để đánh giá, đo lường; công bố mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí hàng năm. Cập nhật Bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí, là cơ sở cho các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ phục vụ chuyển đổi số.
Triển khai hiệu quả các hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số, tập trung vào khối cơ quan báo chí có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực để chuyển đổi số, mức độ trưởng thành chuyển đổi số ở mức độ yếu. Song song với đó, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng (trực tiếp và trực tuyến), đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 100% lãnh đạo, phóng viên, biên tập của các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí. Khảo sát các mô hình chuyển đổi số báo chí, tối ưu hóa nguồn thu, tăng trưởng doanh thu nhằm ghi nhận, phổ biến các kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí./.