Chú trọng giải pháp phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên

Thứ hai, 30/12/2024 10:12

Ngày 9/11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 2021-2025) khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn I (2021 - 2025) và định hướng, đề xuất các nội dung cho giai đoạn II (2026 - 2030) tập trung vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm 16 tỉnh, thành phố, bao gồm 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III, với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn. Phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn.

Chú trọng giải pháp phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên - Ảnh 1.

Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức; đặc biệt là về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của chương trình. Tỷ lệ giảm nghèo DTTS đến năm 2024 ước giảm bình quân 5,2%/năm.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đến thời điểm này của 16 địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên đạt 60,6%, trong đó vốn đầu tư đã giải ngân được 74,3% và vốn sự nghiệp đã giải ngân được 44,5%.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hoá...

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khoẻ, giáo dục-đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Mặc dù Chương trình được tổ chức thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022, song với sự nỗ lực và tính chủ động của địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác.

Một số chỉ tiêu ước đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 16 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Nông...

Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình; khẳng định, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển KT-XH, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.

Qua thực hiện Chương trình, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng dân tộc, miền núi thay đổi nhiều; nhiều chính sách nhân văn đến với người dân. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.

Để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của Chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Minh Vỹ
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top