Năm giá trị tiện ích
Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ công chứng trực tuyến, Nền tảng Công chứng trực tuyến CCOL là hệ thống đầu tiên và duy nhất hiện nay thực hiện chức năng kết nối khách hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng trên cả nước với định hướng thực hiện trọn vẹn các dịch vụ công chứng trên môi trường trực tuyến.
Đứng từ góc độ của các Phòng Công chứng, việc ứng dụng Nền tảng này vào toàn bộ quá trình hoạt động sẽ mang lại nhiều giá trị tiện ích như: Gia tăng số lượng khách hàng; Kiểm soát được chất lượng; Tăng năng suất; Tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí: Đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Hiện nay, Nền tảng công chứng trực tuyến đang tập trung phát triển các đối tác chiến lược tại Hà Nội và TPHCM, với 5 phòng công chứng tại Hà Nội và 5 tại TPHCM, và hơn 2.000 người sử dụng trên toàn quốc.
Từ góc độ của người dân, phản hồi của những người đã sử dụng app cho biết họ cảm thấy ngạc nhiên và hạnh phúc. Với nền tảng này, công việc sao y chứng thực của người dân trở nên đơn giản, tiết kiệm thời gian xếp hàng, lấy số, chuẩn bị sẵn đầy đủ giấy tờ theo danh sách Nền tảng đã chuẩn bị sẵn, không bị thiếu, không phải chạy đi chạy về. Có thể tiết kiệm được 70% thời gian so với trước đây, đại diện Công ty CP Dịch vụ công chứng trực tuyến cho biết.
Mã hóa hồ sơ khách hàng đảm bảo ATTT
Nhằm thực sự tạo dựng niềm tin của người sử dụng vào nền tảng, Công ty CP Dịch vụ công chứng thực trực tuyến đã mã hóa ảnh, tài liệu được người dùng tải lên nền tảng, chỉ công chứng viên phụ trách xử lý hồ sơ mới được cấp quyền xem được các hồ sơ này.
Với những ưu điểm như vậy, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2020, giải pháp công chứng trực tuyến đã góp phần hạn chế tụ tập đông người, giảm bớt khả năng lây nhiễm trong công đồng. Hệ thống cũng giúp các cơ quan nhà nước thực hiện công tác giám sát nhanh chóng theo thời gian thực để có thể giám sát, định hướng quản trị hoạt động công chức trên địa bàn một cách nhanh và trực quan nhất.
Bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa nhận định, nền tảng Công chứng trực tuyến có nhiều tiềm năng trở thành một nền tảng mang tính cách mạng, tuy nhiên vẫn chưa bộc lộ được hết những tiềm năng đó vào thời điểm hiện nay.
Một giải pháp công nghệ mang nhiều tính pháp lý như nền tảng công chứng trực tuyến sẽ gặp nhiều rào cản về pháp lý để từ đó có sự phát triển đột phá, đồng thời cũng có cơ hội khai phá ra rất nhiều “vùng đất về chính sách” cần được giải phóng. Các nền tảng công nghệ tự thân không thể giải phóng chính sách, đó là việc của cơ quan quản lý. Do đó, tất cả doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay hãy coi việc giúp cơ quan quản lý tìm ra những “vùng đất” có thể giải phóng và làm thế nào để giải phóng những vùng đất ấy là một trọng trách của mình. Bộ TT&TT sẽ là điểm đến của tất cả mọi đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các nút thắt chính sách, đại diện Cục Tin học hóa đề xuất.
Nền tảng Công chứng trực tuyến CCOL (congchungtructuyen.vn) là hệ thống đầu tiên và duy nhất hiện nay thực hiện chức năng kết nối khách hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng trên cả nước với định hướng thực hiện trọn vẹn các dịch vụ công chứng trên môi trường trực tuyến. Đồng thời cho phép các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng có thể thực hiện quản trị hoạt động của tổ chức mình như một doanh nghiệp độc lập. Hệ thống CCOL cho phép người dùng lựa chọn công chứng viên (CCV) và giao hồ sơ để các công chứng viên thẩm định, chuẩn bị trước khi mang bản chính đến để công chứng viên kiểm-chiếu, mà vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Công chứng, theo đó các bên bắt buộc phải ký trước mặt công chứng viên. Bên cạnh đó, hệ thống CCOL cho phép người dùng đánh giá CCV và tổ chức hành nghề công chứng để từ đó hệ thống sẽ tư vấn cho người dùng lựa chọn các CCV và tổ chức hành nghề được người dùng đánh giá chất lượng phục vụ tốt nhất. |
“Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” là hoạt động tiếp nối của chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” ra mắt các nền tảng chuyển đổi số trong năm 2020, được tổ chức theo format mới. Theo đó, bên cạnh phần giới thiệu của đơn vị phát triển nền tảng số, sẽ có thêm phiên tương tác trực tiếp giữa đội ngũ phát triển nền tảng và báo chí, người sử dụng theo hình thức một cuộc tranh biện. Các bên tham gia sự kiện sẽ được đặt câu hỏi, thể hiện thẳng thắn các góc nhìn đa chiều về nền tảng và cuối phiên mọi người sẽ được bình chọn công khai cho sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Viet Nam được chọn giới thiệu.
Phương châm của chuyển đổi số năm 2021 là chủ động đi tìm và giải quyết các vấn đề, thách thức của xã hội. Và đây cũng sẽ là kim chỉ nam của diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam”, theo đó, các nền tảng được lựa chọn ra mắt trong khuôn khổ diễn đàn sẽ phải là những sản phẩm được sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh đi giải những nỗi đau đó bằng công nghệ số. Các sự kiện ra mắt nền tảng trong khuôn khổ diễn đàn Thách thức công nghệ số Việt Nam sẽ được tổ chức vào thứ 6 hàng tuần tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
|